Thread Closed 
BỌ DU KÝ - SEOUL - KOREA
Author Message
maritza Offline
Moderator
*****

Posts: 43,994
Joined: Aug 2010
Post: #1
BỌ DU KÝ - SEOUL - KOREA

[b]Side Trip: Seoul - Korea



Chuyến đi Paris vừa rồi Bọ săn vé máy bay rất kỹ. Chuyến đi được dự tính trước gần cả năm trời, nên ngoài việc đọc thêm sách để tìm hiểu về nới định đến, Bọ còn tính toán mua vé làm sao cho rẻ và cho đáng cái công hai vợ chồng lặn lội xa xôi, xa, xa lắm! một lần xách va li ra khỏi cửa là phải tính sao cho tiện, lợi... cho bỏthời gian mình ngồi máy bay gần cả ngày trời mới tới Paris.

Coi, ngồi cả ngày trời trên máy bay? cách nào mà ngồi cho nổi đây??? Nên giải pháp tốt nhất, là break cái hành trình này ra làm nhiều mảnh nhỏ! May sao, tìm được vé của hãng Korea Air rẻ nhất, rẻ hơn mỗi người đến 400$ so với giá rẻ kế tiếp! Vậy là: "Ông ơi, tụi mình đi luôn Seoul nha!"

Ừ thì đi! Vậy là kết: Sydney - Icheon (Seoul)- Paris- Incheon - Sydney!



Nói là side trip Seoul, thật sự Bọ phải tới Seoul trước Paris 1 ngày, ghé nghỉ chân rồi khi từ Paris trở về lại ghé Seoul lần nữa, lần này mới là thật sự viếng Seoul.

Ngày rời Sydney, bầu trời bị bao phủ bởi màn bụi dày đỏ. Sống trên đất Úc bấy lâu nay, đó là lần đầu Bọ qua trải nghiệm kinh khủng về Trời Đất như thế: ngày hôm trước hai vợ chồng vừa đi đám tang 1 người quen, hôm sau chuẩn bị đi xa thì thấy ngay một bầu trời hôn ám! Đúng là chỉ có từ "Thiên hôn địa ám" mới tả được cái quang cảnh trời đất mịt mùng như thế.

[Image: Theredmenace23Sep09.jpg]

Ôi, trong phi trường hôm ấy quang cảnh còn lộn xộn hơn 1 cái sở thú: máy bay không được đáp (và dĩ nhiên chẳng có chiếc nào lên!) mà đều phải divert tới 1 phi trường khác ngoài Sydney, hành khách kẻ nẳm người ngồi hổn độn, càng lúc hành khách đổ vào phi trường càng đông! Giờ bay của Bọ đúng ra là 7:55 sáng, mà cho đến hơn 10 giờ nhìn ra ngoài lớp kính thì toàn phi trường (và cả Sydney) vẫn còn 1 màu đỏ choạch! Trở ngại ngay lúc khởi hành thì có chán không chứ???

Luật hàng không, khi hành khách bị chậm trể trong giờ khởi hành trên 3 h thì sẽ được hãng hàng không lo cho vấn đề ăn uống, lỗi này không do hãng hàng không gây ra (lên mà khiếu nại với ông Trời!) nên ban điều hành phi trường phải chịu thanh toán mọi chi phí! Nhân viên phi trường đến phát phiếu ăn miển phí, Bọ cũng nhận được voucher, hai vợ chồng đi tìm chỗ ăn trưa cho chắc bụng.

Bình thường các nhà hàng trong phạm vi phi trường giá cả tương đối cao so với phẩm chất thức ăn (ngoại trừ Mc Do!) nên không mấy du khách ăn trong phi trường. Ai dè hôm nay hàng ngàn khách được phiếu ăn miễn phí nên các kiosk bán thức ăn đều bị vây kín! Món ăn được nấu quấy quá là điều hiển nhiên! Hai vợ chồng nhìn nhau ngao ngán: Than ôi, hôm nay mình được nếm mùi phát chẩn!!!

Đến 4 giờ chiều, hành khách đã nhận tất cả 3 lần voucher, bụng dạ đâu mà chứa đồ ăn nên chỉ cần làm ly càfe cho tỉnh táo, chiếc máy bay của hãng Korean Air mới từ Melbourne quay trở lại Sydney, thế là từ lúc rời nhà đến giờ đã ngót nghét 12 tiếng!

[Image: Finally4PMOurplaneshowsup.jpg]

Chiếc máy bay lao vào không gian, nhìn ra ngoài trời đã đầu sẫm tối. Hoàng hôn trên không trung cũng huy hoàng, mây trồi phản chiếu đủ các sắc độ của ánh sáng bù đắp phần nào nổi bực mình, mệt mỏi của Bọ.

[Image: IMG_0064.jpg]
[/b]

Ta nói vợ chồng Bọ là số cực! cực thành ra hãng máy bay cho 1 đêm nghỉ miễn phí ở khách sạn 5 sao The Hyatt Regency cạnh phi trường Incheon Seoul chở sáng mai bắt chuyến máy bay Air France đi Paris. Đã bao ở, họ bao luôn ăn! Giá của Hyatt Regency 1 đêm hạng bét cũng là trên 300US$, nói chi tới ăn tối và điểm tâm. Không được hãng máy bay đài thọ dễ gì dám bỏ tiền ra ở? nhưng số cực, nên Trời làm 1 trận bão cát kinh hồn, bị delay 10 tiếng đồng hồ nên đến Incheon là 2 giờ sáng thay vì 4 giờ chiều. 2 giờ sáng thì còn ăn tối cái gì ngoại trừ bữa ăn chính trên máy bay, may mà vợ chồng nhà quê chọn món cơm trộn bibimbap quốc hồn quốc tuý của Hàn Quốc nên cũng chắc bụng!

[Image: IMG_0047_zps466c9d34.jpg]

[Image: IMG_0059_zpsa68a5b06.jpg]

Phòng của Hyatt Regency, loại hạng bét cho khách ở cũng rộng như vầy đây:

[Image: IMG_0072_zps1b58c692.jpg]

[Image: IMG_0071_zps8e4f1db6.jpg]

Người tính không qua trời tính, thôi thì nệm ấm đó, chăn êm đó, ngã lưng đỡ vài ba tiếng trước khi trở lại phi trường ngồi cóng lưng thêm 12 tiếng đồng hồ nữa trên máy bay cũng là thượng sách. Nó mới là đáng tội cho hai vợ chồng già ham mê du lịch!

Chuyện ở Paris, thì bạn đã đọc rồi.....

Ngày từ Paris trở lại Seoul - cũng như từ Seoul sang Paris, là bay với hãng máy bay Pháp Air France. Một điều làm Bọ tức cười, mà cũng làm Bọ nhớ hoài là nửa đêm đang nghiêng qua trở lại cố gắng ngủ (ngồi) được chút nào hay chút ít chớ biết làm gì trong đêm của chuyến bay dài 13 tiếng này! Chợt nghe có chuyển động tuy nhẹ nhưng khá là đầu từ các bạn người Hàn Quốc; mũi thì ngửi nồng nàn một mùi...không phải là mùi cà phê đâu, ngửi được mùi cà phê thì khoẻ quá vì như thế có nghĩa là sắp đáp - à là mùi ...mì. Thì ra tuy là hãng máy bay Tây, mà nhập gia tuỳ tục nên các bạn Tây cà lồ phục vụ khách hàng đa số là người Hàn quốc. Lòng máy bay tuy rộng nhưng cũng chỉ là 1 cái ống bự kín mít nên mùi mì ngập tràn trong lòng ống. Khách Tây không biết thế nào, chứ khách Việt thì ngửi mùi mì cũng thấy cồn cào trong bụng, bèn đi xuống gallery thỉnh ...mì!

Ấn tượng đầu tiên của phi trường Incheon trong Bọ là rộng, thoáng và sạch, rất sạch! Bạn có nghe và cũng từng xử dụng hệ thống bồn cầu tân tiến của Nhật?? Bọ đi Nhật (Tokyo và Kyoto) năm 2006 cách lần đi Hàn này cũng đã 3 năm. Trong 3 năm đó không biết hệ thống bồn cầu của Nhật có bước thêm bước nào hay vẫn đứng chựng, chứ cái bàn cầu trong phi trường Incheon, cổng ngõ vào thành phố Seoul này thì thật là làm Bọ lé mắt đi vì khoái và phục! Thế này: sau khi vào cubic ( sorry: TMI - too much information!) thì gài khoá lại, điều căn bản Bọ học từ nhỏ khi vào toilet là bấm nước dội bồn cho sạch. Nhờ vậy mới thấy sau khi nước xuống hết, tiếng cơ khí chuyể động vang lên: vành nylon bọc trên miếng ngồi của bồn toilet tự động kéo vào bên trong và xoay vòng thay thế là 1 vành nylon mới! Sạch sẽ! an toàn!

[Image: ICH-Cleanandairy.jpg]

Ra cổng làm thủ tục di trú nhập vào Hàn quốc, họ bảo Bọ trở ra bàn ghi thêm 1 cái thẻ vì trên máy bay các cô tiếp viên Tây chỉ phát 1 phiếu quan thuế, đứng điền đơn Bọ nghe có cặp vợ chồng người Việt từ chuyến bay ở Hà Nội sang cũng bị lui ra khỏi hàng để ghi thẻ như mình - nhưng cô vợ cằn nhằn anh chồng la nói lớn tiếng quá làm nhiều người, nhất là Tây tò mò nhìn! Bọ thiệt là mắc cở dùm cô vợ!

Khi trở lai xếp hàng để nộp tờ phiếu và nhận con dấu di trú chứng nhận chuyến phiêu du của 2 vợ chồng Bọ vào thăm xứ củ sâm, Bọ thích chí thấy nhiều người Tây khác cũng bị trả lui vì thiếu phiếu - tự nhủ À ra không phải chỉ có mình nhà quê!

Tìm gởi lại dịch vụ ký gởi hành lý ở phi trường 2 valy to đùng bọn Bọ mua đủ các thứ linh tinh kẹo bánh, chocolate, đồ chơi từ bên Tây về nhà làm quà cho các cháu. Ra bên ngoài, đón xe bus City bus số 6015 về khách sạn Ibis khu Myeong Dong giá 9.000 won 1 người, Bọ nhìn ra cửa sổ xe bus, ngắm cảnh dân Đại Hàn đổ đất lấn đảo để xây dựng phi trường (cũng tương tự như phi trường Kansai bên Nhật) nhưng diện tích đất lấn được Bọ thấy lớn hơn diện tích khu phi trường Kansai
mấy năm trước. Bọ thật là khâm phục ý chí con người thể hiện nơi đây! Như Tokyo và Kyoto, phi trường Incheon cách trung tâm thành phố phải cả giờ đồng hồ ngồi xe bus!

Khách sạn Ibis Myeong Dong thuộc nhóm khách sạn Accors, Bọ thích Ibis vì sạch sẽ mà giá lại phải chăng và địa điểm: đối diện khu thương mại sang trọng Avenuel và Lotte Department Store, lại thêm thích là dưới tầng hầm của Lotte là khu Food court gồm nhiều gian hàng ăn trông ngon mắt lại rất vệ sinh.

Bus 6015 từ phi trường về đậu ngay trước khách sạn Ibis Myeong Dong:

[Image: Bus6015-.jpg]

Khách sạn Ibis này cũng ngộ, sảnh tiếp tân (lobby) nằm tận trên tầng lầu thứ 11:

[Image: Receptionison11thfloortoo.jpg]

Phòng thì hẹp, nhưng sắp xếp rất gọn gàng nên không cảm thấy bị bức bối. Bọ thích nhất là Ibis có 1 phòng giặt xài xu, khách tự do bỏ tiền xu vào máy mua xà phòng, bỏ xu vào cho máy giặt, bỏ xu vào cho máy xấy! Trong lúc máy làm việc thì khách lấy trà nóng ra uống, hoặc khoá cửa phòng giặt, trở lại phòng mình coi phim Hàn Quốc không thông dịch hay lồng tiếng! Trên tầng thượng của Ibis có bồn tắm ngâm người vào nước nóng như bên Nhật. Cũng giống như bên Nhật, bồn tắm tập thể ở Seoul đòi hỏi khách ngâm phải tắm trước, kỳ cọ cho sạch rồi khoả thân ngâm vào bồn. Ibis có 2 phòng ngâm nước nóng, một cho phái nam và một cho phái nữ. Bọ có rủ ông Bọ đi ngâm, nhưng ổng nói không quen nhìn người ta (và cho người ta nhìn Smile) ) nên Bọ không biết cái bồn tắm của Ibis mặt mũi ra sao!

Khách sạn ngó ngang trung tâm thương xá Lotte lớn của Seoul, tìm đường sang kiếm cái ăn. Vợ chồng già tha nhau lên thang xuống thang của cái underground shopping băng ngang dưới con đường lớn tất bật xe cộ (không có lằn đường cho người đi bộ đâu đấy nhá! đừng có mà đi ẩu xe chẹt chết đấy!) tìm đến tầng hầm của Lotte. Chưa dám ăn ngay món Đại Hàn đầy ớt sau chuyến bay dài mệt mỏi, Bọ chọn món cơm gà Nhật Bản. Các gian hàng đều rất sạch sẽ, giống như Nhật, đối với du khách vấn đề vệ sinh ở Seoul bảo đảm an toàn tuyệt đối.

[Image: MealLottedepartmentstore.jpg]

[Image: MealLottedepartmentstore4.jpg]

Trả tiền: Chỉ có 6.000 won 1 phần (tương đương 6$). Chắc bụng, no lòng!! trở lại khách sạn để nghỉ ngơi lấy sức!

[Image: Bedwindow.jpg]

Ấn tượng ngày đầu tiên trên đất Hàn Quốc:

Đa số người dân Hàn rất lịch sự, điểm yếu của họ là không nói được nhiều tiếng Anh; hỏi thăm đường xá nên tìm người trong tuổi thanh niên và ăn mặc ra dáng người làm văn phòng: áo sơ mi trắng cà vạt, hoặc đồ veston; họ nói được tiếng Anh chút đỉnh. Bọ uống cafe ở Starbuck nhìn ra, có anh du khách Á châu hỏi đường, mà tòan hỏi người lớn tuổi đa phần không nói được chút tiếng Anh nào, và họ mắc cỡ cũng không chịu dùng động từ "to quơ" nữa! Bọ biết chắc anh du khách nọ không có kinh nghiệm du lịch ở các nước không nói được tiếng Anh!

Từ phi trường về trung tâm Seoul khoảng cách độ 30 kms; gần vào đến trung tâm xe bus hơi bị kẹt (Bọ nghĩ là do "cổ chai" xe cộ dồn vào thành phố quá đông nên bị nghẽn!) nhưng ra khỏi cổ chai thì xe bus có làn riêng giữa đường phân : đây là cách rất hay để tránh nghẽn xe cho các phương tiện di chuyển công cộng!

Ngoại thành nhà cửa cũng thường, tuy không lụp xụp nhưng cũng không hào nhoáng! ngay trung tâm thì Seoul cũng giống như thủ đô các nước phát triển khác: nhà cao tầng, đường xá rộng rãi 6, 8 làn xe. Ít đường lớn có lằn vạch dành cho người đi bộ băng qua đường, khách bộ hành phải đi vòng xuống những underground arcade và lại leo thang để lên phía bên kia. Bất tiện cho khách nhưng thành phố không mất vẻ mỹ quan vì những cầu trên cao dành cho khách bộ hành qua đường như những thành phố lớn khác của châu Á, chẳng hạn như Kuala Lumpur Có điều trong không khí Seoul không được thơm tho cho lắm, sau này Bọ mới nghĩ ra có lẽ do người Đại Hàn dùng nhiều tương và kim chi, mà những món này thì khi lên men có mùi rất nặng! Người dân Seoul tuy ăn mặc rất lịch sự, phái nam thì thường mặc vest và cravate chỉnh tề, nhưng họ ít xài các loại dầu thơm, đi ngang họ Bọ không ngửi được mùi thơm như từ Úc, Pháp hay Mỹ!


Myeongdong là khu buôn bán hấp dẫn với giới trẻ tại Seoul. Ban ngày khu này tương đối yên tĩnh, nhưng khi trời vừa sụp tối thì những ánh đèn sáng choang rực rỡ với những người trẻ vui tươi đi dạo phố. Các cửa hàng bán đù loại, từ quần áo giày dép đến mỹ phẩm, thức ăn

[Image: MyeongDongshoppers.jpg]

[Image: MyeongDongnight2.jpg]

Xem những phim Hàn Quốc, Bọ thích những quán bên đường có che bạt, trong đó thức ăn được nấu trong những chiếc nồi to và bốc khói. Hỏi thăm thì biết ra những quán như thế thường nằm trong những hẽm nhỏ khu ngoai ô. Đây là trung tâm thành phố nên thường du khách không thể tìm thấy những quán như vậy. Tìm không ra quán, thì Bọ ăn hàng ngoài đường, đâu có sao! Các xe thức ăn, phần nhiều là món chiên:

[Image: Streetfood2-1.jpg]

Nghe về món Sundea - không phải là cà rem Sundea trong Mac Donald đâu, mà Sundea là tên gọi 1 món dồi của Hàn Quốc. Ăn thử, coi nó giống dồi xả trong Nam hay dồi tiết ngoài Bắc? Chẳng Nam mà chẳng Bắc: món dồi Sundea gồm miến nhồi vào và thức gì đen đen có thể là tiết có thể là tương. Mà tương thì đúng hơn là tiết! Không ngon chút nào cả, chỉ được ly nước súp ấm ấm uống vào vị thanh thanh là nếm được!

Những xe bán rong này thường dùng 1 bao nylon bọc bên ngoài dĩa, khách dùng xong họ chỉ cần lộn ngược chiếc bao và vất thùng rác, khách khỏi lo sợ vụ trăm cái dĩa rửa chỉ trong 1 thùng nước!

[Image: Food1.jpg]
Nhưng ăn như vậy chì là ăn chơi. Ăn thiệt, ăn cho no bụng thì phải vô quán, kêu 1 tô cơm bưng ra 1 chục cái dĩa nhỏ nhỏ như vầy nè:

[Image: MealBibimbapmyeongdong.jpg]

[Image: MealBibimbapmyeongdong3.jpg]

Cảm nghĩ của ngày thứ hai tại Seoul:

Meyong dong là khu buôn bán chủ yếu dành cho giới trẻ, tuy nhiên đây cũng là điểm thu hút du khách vì hàng hóa đa dạng lại giá phải chăng (giới trẻ thì túi tiền cũng khá nhẹ). Nhận xét của Bọ là người bình dân buôn bán ở đây tương đối thật thà, không lừa gạt du khách nhiều như những nơi khác. Bọ mua hoa tai thời trang cho cháu, thấy đề giá 1 đôi là 1000 won (khoảng 1$), không lẽ trả giá vì thấy giá cả như thế so với nơi Bọ ở vẫn là rẻ, nhiều kiểu rất xinh để chọn lựa (trước đó ở chợ trời St Denis bên Paris Bọ mua mấy đôi với giá 4 Euros 1 đôi khoảng 6$ nhưng trông chắc chắn hơn), chọn 10 đôi trả 10.000 won, anh bán hàng ra dấu cho Bọ chọn thêm 1 đôi nữa coi như mua 10 tặng 1 khuyến mãi! Về người tử tế ờ Seoul (Vì Bọ chỉ đi Seoul thôi) Bọ còn gặp vài lần nữa. Trong lòng cảm thấy thích người dân ở đây, không như lời đồn dân Hàn gấu lắm!

Korean Folk Village

Seoul có 2 Folk village, thường các tour sẽ đưa khách đến xem Folk village ở dưới chân tháp Seoul (Seoul tower), quy mô nhỏ hơn Folk Village ở Suwon.

Bọ không bị theo tour, nên đương nhiên tìm đường đến Suwon. Từ Seoul đến Suwon khá xa, phải dùng xe điện ngầm và phải nhớ đi đúng tuyến đường, nếu không sẽ bị lạc do xe đổi line giữa đường và rất khó hỏi thăm vì người dân Hàn sống ở vùng ngoại ô rất ít người biết tiếng Anh - Mà tiếng Hangul thì dĩ nhiên mình mù tịt!

Đến trạm City Hall, tìm đường chuyển line 1 để đến Suwon. Hệ thống xe điện ngầm của Seoul cũng tân tiến không thua hệ thống xe ngầm của Nhật. Tìm chuyển line, thì dưới mặt sàn có những dấu hiệu chỉ lối, nếu không nhìn xuống, thì ngang tầm nhìn trên những chiếc cột cũng có những bảng chỉ dẫn:

[Image: Lookforthissigntotransfer.jpg]

Khổ một nỗi, trên cùng ke có rất nhiều chuyến xe khác tuyến xử dụng vì đây là buởi sáng sớm, giờ cao điểm người tuy không đông như bên Tokyo, Nhật. Nhưng cũng rất là đông người đứng chen chân người. Bảng điện tử thì thấy chữ Hàn nên Bọ có phần lúng túng. muốn chắc ăn Bọ hỏi ngay anh thanh niên lịch sự bận bộ vét và áo cổ cồn trắng tinh bên cạnh: Suwon?

May mà Bọ hỏi, vì người này khoát tay ra hiệu không phải, và anh níu tay Bọ giữ lại! xong cầm tay Bọ dẫn đến dưới bảng điện tử chỉ các tuyến xe sắp dến, chờ đến khi trên bảng hiện lên dòng chữ Ăng Lê (sau chữ Hàn,khá lâu chữ tiếng Anh mới có) và chỉ vào chữ Suwon. Đến lúc này Bọ mới nhận ra vì giúp chỉ đúng chuyến xe cho Bọ mà anh trai lịch sự này đã lỡ mất chuyến xe của chính anh! Bọ cứ lẩm nhẩm "gamsa hamnida - Cám ơn anh" mà thấy áy náy vô cùng chỉ sợ anh lỡ giờ đến sở làm . Đúng là 1 người Hàn tử tế. Nếu Bọ lên nhầm xe thì Line 1 từ City Hall đến Guro sẽ tách ra làm 2: 1 đưa đến Incheon và 1 đưa về Cheonan và sẽ ngang qua Suwon!

Trong xe thì nhìn như thế này, giống như hệ thống xe của Singapore và Thailand! Trời lạnh, nhìn những băng ghế bằng inox mà Bọ muốn tê cái mông!

[Image: Cleansubwaytrain.jpg]


Suwon là 1 thành phố nhỏ, không có gì đặc sắc lắm, thường được dùng làm nơi chuyển tiếp để đến thăm Korean Folk Village hoặc Suwon Fortress.

[Image: Suwon.jpg]

Bù lại, phòng quảng cáo du lịch của Suwon nhìn rất hay, làm khơi động ngay trong lòng du khách nỗi háo hức muốn tới xem tận mắt những kiến trúc nhà cửa, cách sống đặc biệt Hàn.

[Image: TourismcenterSuwon3.jpg]

[Image: TourismcenterSuwon.jpg]

Vé bán trong phòng quảng bá du lịch Suwon khoảng 10.000 won bao gồm cả vào cửa và xe buýt đưa đón đi và về Suwon (30 phút ngồi xe buýt mỗi chặng đi và về!)

Bọ vốn hay sợ say xe nên đi buýt thường xấu tính chen lên ngồi phía trước nhìn đường xá cho chắc ăn. Xe chạy được một quãng, anh tài thắng gấp tránh 1 người đi đường thiếu cẩn trọng kêu đến kéeetttt ; mọi người trên xe ngã dúi về phía trước xong lại đập đầu về phía sau! Bọ buộc mồm kêu Úi chà! anh tài không 1 lời mắng mỏ người đi đường thiếu ý thức kia mà anh lại quay lại cúi đầu nói 1 tràng tiếng Hàn, Bọ đoán là lời xin lỗi. Đến KFV, anh tài đứng ngay cửa xe tiễn khách, thấy Bọ xuống xe lại cúi rạp người nói thêm 1 tràng tiếng Hàn, bác già gái đoán lại là lời xin lỗi! Đúng là 1 người Hàn tử tế!

Đến cổng, nhìn lên Bọ thấy lòng thật là thích thú, vì đây chính là cái mà Bọ muốn xem khi đến đất Hàn. Khu này rất rộng, nhớ lấy 1 bản đồ khu vực ở tại cổng ra vào này nhé!

[Image: KoreanFolkVillagemaingate.jpg]

Nhận xét về hệ thống subway của Seoul:


Hệ thống subway của Seoul gồm 8 line, riêng line 1 có tầm hoạt động xa ra ngoại thành hơn 7 line kia, khoảng cách giữa 2 trạm ngừng của line 1 cũng xa hơn. Hình như Hàn quốc đã cử người sang Nhật học hỏi kinh nghiệm về áp dụng xây subway cho chính họ. Tuy sinh sau nhiều subway, métro của các nước khác, theo Bọ subway của Hàn quốc thua về mặt chỉ dẫn cần thiết khi cần chuyển xe sang tuyến đường khác để đi cho đúng hướng (transfer). Đan cử như métro ở Paris mà Bọ vừa ghé qua, chỉ dẫn lối phải theo để đổi tuyến đường rất rõ ràng, chỉ cần phải nhớ ga cuối cùng của hướng đến để biết chiều xe mà mình phài đi. Ở Nhật (Tokyo) cũng vậy, nhiều ga lớn cỏ 3,4 line chập vào nhau cũng chỉ dẫn rất rõ ràng, thí dụ ga Otemachi có đến 5 line chập vào nhau, cứ theo mũi tên có màu cúa tuyến đường mình cần chuyển mà đi, có thể đi bộ khoảng dài nhưng ít khi bị lạc.

Subway Seoul các bản điện tử thường chạy chữ Hàn trước, nếu không để ý và kiên nhẫn chờ tiếng Anh hiện lên sau sẽ rất dễ đi lạc đường. Nhớ cầm sẵn bản đồ tuyến xe mà dò theo từng trạm ( trong trường hợp đi hơi xa như Suwon và tuyến đường có tách đôi ra)

Tuy nhiên, theo Bọ Seoul subway ăn đứt subway ở New York về mặt chỉ dẫn (subway New York chẳng có mấy chỉ dẫn!), thoáng đản, sáng sủa và sạch sẽ! Nếu cần cho thang điểm, tôi sẽ cho Tokyo về nhất, Paris, Hàn quốc, vài nước khác đứng kế như Sing, Malaysia, và cuối cùng là New York sổ toẹt (Xin lỗi bạn nào đang sống ở NYC, nhưng đây chính là nhận xét và so sánh của Bọ!

[Image: Koreantraditionalhouse.jpg]


[Image: Koreantraditionalhouse2.jpg]
Gia đình bác thợ rèn, vợ giữ lửa lò chồng khỏ sắt:

[Image: AtraditionalBlacksmith2.jpg]

Ngày xưa, thời còn khốn khó (cũng không xa xưa gì lắm đâu!) hẳn người dân quê Hàn cũng phải dùng bắp như một thực phẩm chính thêm vào với cơm gạo hàng ngày. Nên ngoài sân mới có chiếc cối đá nặng nề to lớn để chà bắp, mà chắc là cần nhiều nên dùng gia súc để kéo cần cối chứ không phải dùng sức người:

[Image: Anoldrice-mill.jpg]

[Image: OldLifestyle.jpg]

Ngang qua 1 nhà hàng, nhớ lạy cũng đã trưa rồi và cũng muốn ăn một bữa ăn Hàn trong khung cảnh mộc mạc dân dã này, bèn ghé vào:

[Image: KFVrestaurant.jpg]

Bên trong bày biện cả bàn ghế lẫn sạp phản theo kiểu truyền thống Hàn, Bọ chọn ngồi vào phản, cho đúng với kiểu ngồi của người Hàn:

[Image: InsideKFVrestaurant2.jpg]

Nhưng mà ngồi phản không dễ đối với cặpp giò đã đóng vôi đầu gối: ngồi gói được 1 chút thì đã cóng chân, tê lưng! Xoay trái 1 chút lại xoay phải, mà nhức chân vẫn cứ nhức. Bèn cất 2 cái cẳng dấu xuống gầm phản, ngó qua bàn với ghế mà hối hận!

[Image: OurmealKFVrestaurant.jpg]



[Image: Anoblehouse2.jpg]

[Image: Anoblehouse4.jpg]

[Image: OldKitchen.jpg]

Những hình ảnh này thường nhìn thấy nếu ta hay xem nhữ phim cổ trang Hàn Quốc như Đại Trường Kim chẳng hạn. Thật ra trong khu này có cà 1 trang viên thường cho các hạng phim mượn hay mướn) để quay trong những cảnh cần nhà cổ. Có cả 1 khu chợ theo lối xưa, người ăn ngồi trên những sạp tre như những sạp chợ quê hẻo lánh của Việt Nam mình hồi d9ó. Nếu canh giờ đi cho kỹ có khi được tham dự những trò chơi dân gian như coi đám cưới thời xưa (nước nào cũng có màn nầy), coi múa điệu múa nông gia (farmer's dance) có màn múa dãi lụa dài trên chóp nón. Bọ canh không đúng giờ nên đàn quay phim chẳng thấy đã đành, những trò này cũng hụt mất! Cái Bọ nhìn thấy là những toán học sinh được thầy cô dẫn đi du khảo, bậc tiểu học có mà bậc trung học cũng có nữa!

Học sinh cấp tiểu học thì quần áo đồng phục màu nõn chuối tươi sáng:

[Image: Cutechildrengoforexcursion.jpg]

Học sinh trung học thì nữ vận váy, nam vận áo cài kín cổ trang nghiêm.

[Image: Anoblehouse5.jpg]

Nhìn cách giáo dục trẻ của người mà ngẫm lại, buồn cho cách trẻ lớn lên nơi xứ mình!

Trong khu Korean Folk Village có cả 1 khu hồ rộng lớn với chiếc thuyền đá và suối nước cùng 1 cây cầu đá bắc ngang khá đẹp, tiếc rằng chỉ mới vào đầu thu lá mới úa màu chứ chưa chuyển hẳn sang màu quan san, nếu không cảnh vật hẳn còn đẹp hơn:

[Image: Picturesquescenery.jpg]

[Image: Picturesquescenery2.jpg]

Vì chớm vào thu, nên trời chiều lành lạnh và mây xuống dầy khá sớm, trở ra cổng thấy có 1 quán trà, ghé vào nghỉ chân. Cầm thực đơn trà, nhiều tên nghe hết sức là bốc! Nhiều tên đọc lên bốc đến đỗi Bọ cứ sợ uống vô mình sẽ thành "Bé Bọ" (chứ không phải bé Bự!) thiệt sự. Thấy 1 tên xem ra hợp với mình (Ờ, thì ít ra cũng hợp với ông Bọ Tongue ) là "Reviving the body" , Bọ dịch nôm na là trà sạc điện. Mỗi người 1 ly để sạc....

Hỡi ơi, khi tô trà bưng ra trước mặt thì dòm màu nó đen đen, ngửi mùi nó nồng nồng ...lại kèm dĩa mứt gừng cho trôi cái vị đắng sau khi uống thì đúng là giống hệt chén thuốc bắc hồi nhỏ má bắt uống khi bị bệnh!

Đắng nhưng Bọ cũng phải nhăn mặt uống hết vì giá tô thuốc bắc bằng giá tô cơm Bọ ăn buổi trưa, hẳn là uống vào không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc!

[Image: Traditionaltea.jpg]

Đã nói là cái tên nó bốc!!!!

Gần quán trà (hay tiệm thuốc bắc đây trời???) có 1 dãy lu khạp đậy kín nắp. Tuy đậy kín nắp nhưng mùi nằng nặng của kim chi lên men và tương đang ngấu vẫn phảng phất (nặng đấy!) xộc vào mũi khách! Hèn gì mà nãy giờ đi vòng vòng trong này cứ tự nhủ: Sao mình không thấy trâu bò hay heo gà mà vẫn ngửi mùi phân chuồng khăm khẳm!

[Image: Kimchivats.jpg]

Cảm nghĩ về Korean Folk Village

Nhìn cách người Hàn bảo tồn truyền thống của họ, trong lòng Bọ suy nghĩ nhiều! Dựng lại cả một ngôi làng cho thế hệ trẻ sau này có thể hình tượng ra nếp sống của ông cha họ, không phải là quý lắm sao? Và họ khuyến khích lớp trẻ đến để học hỏi, nhìn ngắm cùng là lấy kinh nghiệm thực tiễn. Bọ trông thấy 1 toán học sinh trung học do 1 cô giáo hướng dẫn đi thăm khu này, cô đã dạy học trò 1 trò chơi mà theo như cô giải thích cho Bọ biết, đó là trò chơi ở những làng quê xưa mà trẻ ở thành thị hầu như không còn biết đến nữa: Vạch 1 lằn ngang giữa sân, đặt 1 ống lon ở một khoảng cách nào đó ở một đầu, người tham dự đứng sau lằn vạch phóng 1 que dài độ nửa mét sao cho cắm lọt vào ống lon! Bọn trẻ tham dự rất nhiệt tình và vợ chồng Bọ cũng lây theo cái hào hứng !

Không có chuyện "Thấy nó cũ quá đập bỏ để xây cái mới".

Sanchon:

Sanchon là tên 1 nhà hàng chay nổi tiếng tại Seoul, người chủ trước là 1 nhà sư sau hoàn tục (hay tu tại gia) và vẫn làm việc tại San Chon trong bộ áo lam. San Chon dùng những nguyên liệu có tính vị thuốc và những lại rau củ tìm được trên núi, trong rừng (giống như những nhà sư tu trên núi vẫn tìm những loại rau củ sằng dã để nấu ăn qua ngày, theo như cách chủ nhân San Chon đã sống khi xưa)

Sanchon nằm trong khu Insadong, là khu còn giữ được ít nhiều nét truyền thống của Hàn - tương tự như khu Asakusa của Tokyo- nên du khách thường đổ về Insadong khá đông. Khu Insadong là 1 khu có nhiều gian hàng bán đồ cổ nhưng phần nhiều là đồ cổ tân tạo hoặc đồ giả cổ. Bọ không thích khu này cho bằng khu Myeong Dong, một phần vì tính cách thương mại nhắm vào túi tiền du khách, nhất là các khách du lịch Tây Phương. Cuối con đường Insadong -Gil thuộc về khu Jongno, có tháp chuông Bosin-gak mỗi năm chỉ đánh lên một lần vào đêm giao thừa; nó cũng sẽ được gióng lên mỗi khi có việc quan trọng.

[Image: Bosingak.jpg]
(Nguồn hình: Internet)

Giống như Nhật, Hàn Quốc cũng có 1 hệ thống "nhà không số, phố không đường", tìm 1 địa chỉ ở Seoul mà chỉ trông cậy vào vốn ít ỏi tiếng Ăng Lê thì cũng khá là khó khăn, vì người Hàn phát âm tiếng Ăng Lê theo cách phiên âm ngữ (cũng rất giống người Nhật, thế sao 2 dân tộc anh em này lại cứ ủn oẳn nhau suốt? hay là điện cùng cực thì đẩy nhau?)

Cầm bản phóng đồ của Sanchon trên tay, Bọ ghé cái trạm hướng dẫn du lịch (cũng bé xinh như cái hộp dế thằng bé cháu chơi ở nhà!) nhờ khoanh ô Sanchon để dễ định hướng, hai vợ chồng Bọ đi, và đi, và đi! Không xong rồi, ghé hỏi người qua đường! Kẻ chỉ đi bên đông, người lại bảo qua bên hướng tây! hai vợ chồng chỉ có cách vừa lần tìm vừa ngắm các căn phố, các cửa hiệu. Ngang qua 1 trà thất thấy cách họ gói những gói quà nhìn thật mộc mạc.

[Image: Presentartfullywrap.jpg]

Sanchon đây rồi; nó nằm khuất trong 1 ngõ nhỏ; cảm tưởng đầu tiên khi mới bước vào nhà hàng là phong cách rất thiền, rất tĩnh; và cách bài trí trong phòng ăn cũng rất thanh nhã:

[Image: SoZen.jpg]

[Image: SoZen2.jpg]

[Image: Simplebuteleganceinterior.jpg]

[Image: Oldstyleoillamp.jpg]

Sanchon không có thực đơn món, chỉ có set menu và chỉ 1 mà thôi. Buổi trưa hay buổi tối cũng cùng thực đơn, nhưng giá buổi tối đắt hơn buổi trưa vì có kèm thêm chương trình biểu diển múa dân tộc.

Thức ăn dọn lên trên bàn lúc 6 giờ, mà 8 giờ chương trình folk dance của họ mới bắt đầu! Bọ nghĩ mà ngán: không biết làm cách nào mà mình có thể nhơi 1 bữa ăn cho tròn 2 tiếng đồng hồ, nhất là ăn chay không có thịt để mà nhơi?

Ăn chay? ăn chay với thực đơn gồm 24 món???

[Image: Foodarrangement.jpg]

Thưa thật với các bạn là trông nhiều món như thế, tổng cộng lại có thể gồm làm 4:


-canh 1 chén


-chiên 1 dĩa 3 loại, mỗi loại 1 miếng bé


-rau 20 loại, mỗi loại vài...cọng!


-cơm 1 chén!

Cơm 1 chén, nên Bọ vốn tính hay ăn chắc mặc bền bèn xin thêm chén nữa; kéo áo người phục vụ mấy lần mà chẳng thấy chén cơm đâu, thiệt là tệ!

Chén này nhìn thì giống chè bánh lọt bà ba bên mình, nhưng thật ra là món mặn, là bột từ củ gì (củ gì là không biết tên củ gì, không phải tên là củ gì!) đó trên núi, mài ra lấy bột se lại và nấu như nấu canh, cái chất trắng trắng nằm trên cũng không phải là nước cốt dừa mà hình như sữa đậu nành thêm muối hay gì đó, nếm mằn mặn và không béo chút nào hết

[Image: 3rdcourse_zps1a132deb.jpg?t=1366802103]

Cù cưa một hồi thì đèn cũng tắt, nhạc bắt đầu trỗi lên và nghệ nhân bắt đầu trình diễn. Lạ thì có lạ nhưng nghe không du dương mà hơi lê thê, nhịp điệu khá chậm:

[Image: Traditionalperformers.jpg]

[Image: Traditionalperformers4.jpg]

Cuối chương trình thì trống lớn đuợc đánh dồn, âm thanh chiếc trống dồn dập trong gian phòng nhỏ thật là kích động. Nhưng đối với màn chấm dứt bằng cách mời khách cùng chủ đi vòng vòng đánh trống con và chập choả thì thật là hành hạ màng nhỉ hai khách Việt này quá thể! Mới nhận ra tuy cùng giống da vàng nhưng thật khác biệt về cảm nhận

[Image: Everyonehadfun2.jpg]
Ra về mà bụng vẫn đói tuy tai thì đầy! đường đã vãng khách, thỉnh thoảng chỉ còn vài bộ hành cắm cúi đi,
đầu cúi xuống hai tay cho vào túi áo khoác vì đêm đã lạnh lắm rồi.

Chợt 1 người đẩy xe bán hàng rong vói bốc 1 nắm lạc rang dúi cho hai vợ chồng Bọ! Thoạt tiên thì giật mình, nhưng rồi nghĩ chắc người này bán ế nên muốn mời mình mua đây; Bọ móc tiền ra đưa thì người này xua tay....Ôhay! thế ra vì bán không hết hàng (còn rất ít) mà chia cho người lạ qua đường chút ấm cúng thế này ư? Ngoái nhìn lại: đúng như thế! người này còn dúi thêm cho vài khách bộ hành đi phía sau Bọ rồi lui cui đẩy xe đi.
Lòng người khi mở ra thì vô cùng ấm áp!

Đi xem cung điện Deoksugung

Hôm nay là ngày cuối cùng với Seoul, Bọ tìm xem cung điện. Từ hotel Ibis lấy subway ra khỏi ga City Hall 1 quãng là Deoksugung đã hiện ra trước mắt. Deoksugung là nơi ở của vua Sejong sau khi hầu hết các cung điện khác dều bị tàn phá thời kỳ Nhật chiếm đóng quốc gia này. Về quy mô, Deoksugung thua hẳn Changdeokgung, về vẻ trầm măc, Deoksugung cũng thiếu vì địa điểm quá gần City Hall và Seoul Plaza. Nhưng Bọ chọn xem Deoksugung vì dễ đi nếu dùng phương tiện "hăng cải", lười hoặc mỏi chân thì bắt subway chỉ có 1 trạm, Changdeokgung thì không thuận tiện , khó bắt xe và phải đi bộ quãng khá xa, mà Bọ già ngán cái khả năng to quơ của chính mình và các anh tài taxi nên tuy tiếc vì không được ngắm
khu vườn yên tĩnh Biwon (secret garden) trong khuôn viên Changdeokgung, Bọ cũng đành chắc lưỡi "kệ, bỏ" !

[Image: Deoksugung-Seoul.jpg]


Đọc sách, thấy nói Deoksugung là nơi ở của vua Sejong từ năm 1897, 10 năm sau vua Sejong bị người Nhật buộc thoái vị và ông ta qua đời năm 1919, con là Sunjong được đưa lên thay nhưng chỉ là con rối trong tay người Nhật.

Sách không có nói cung Deoksugung hiện giờ là tân tạo hay đươc giữ gìn, trùng tu từ nguyên thủy, nhưng Bọ nhìn thấy kèo ngói còn tươi thắm không bị ám nét rêu phong. Dù tân tạo, dù trùng tu từ nguyên
thủy, người Hàn đã hoàn thành công việc giữ gìn của họ khá tốt:

[Image: Deoksugung2.jpg]

[Image: Deoksugungdetailofthetile.jpg]

Bọ cho là khá tốt, chứ không phải rất tốt, vì nhìn vào các gian phòng thấy trống quơ trống hoác, chỉ như vỏ ngoài của một pho tượng mà thiếu hẳn cái linh hồn. Cũng như khi thăm cung điện Versailles của Pháp, Bọ thầm tiếc giá như họ đặt vào 1 ít bàn ghế, vật dụng trang hoàng cho ta cái cảm tưởng ấm cúng rằng chủ nhân của nó vừa đi vắng, có thể là đang tham dự một cuộc săn bắn, có thể là đang vi hành thăm dân hoặc phong lưu hơn,có thể vị vua nọ đang trên đường đến thăm một trong những hậu cung phi tử!

[Image: Insidethemainpalace.jpg]

[Image: CourtyardDeoksugung.jpg]

[Image: Deoksugung3.jpg]


Bên trong khuôn viên có một dãy hành lang mang đậm nét tĩnh của Đông Phương. Bọ rất thích hành lang này:

[Image: Beautifulcourtyard2.jpg]


Trở ra sân trước để xem đổi gác. Phiên đổi gác được cử hành trước Daehanmun, cổng chánh của Deoksugung; đây là tái tạo lại một sinh hoạt dưới thời Sejong: khoàng 50 người ăn vận, hóa trang như binh lính trong thời này, sẽ dựng lại cảnh đổi phiên gác giữa 2 toán lính canh theo đúng nghi lễ: 1 toán sẽ đứng gác tại cổng Daehanmun (Đại Hàn Môn?), toán kia sẽ từ phía bên sân sau của Deoksugung (nay được dùng làm Art Museum) tiến ra trước và 2 toán sẽ gặp nhau. Sau đó một quan văn mặc phẩm phục
màu đỏ cầm theo 1 dùi trống to cũng bọc vải đỏ, đánh 3 hồi trống vào trước cái trống to (Tai ko = đại cổ) trong khi 2 người chỉ huy của 2 toán lính trao đổi gươm lệnh và cờ hiệu. Xong, 1 toán giữ cổng Đại Môn, toán kia theo đường bên hông trở về hậu điện


[Image: Changingofguards.jpg]

[Image: Readytochange2.jpg]

[Image: Changingguard5.jpg]
Bạn thấy anh chàng bận bộ đồ xanh truyền thống Hàn đang đứng góc trái hình đầu của phiên đổi gác này không? Thoạt tiên Bọ ngỡ anh là người tồn cổ, thích giữ gìn và mặc trang phục truyền thống Hàn. Nào ngờ anh chính là người của phòng du lịch Hàn và là supervisor của màn tạo lại phiên đổi gác này. Hai vợ chồng Bọ có được cho mượn mặc thử đồ quốc phục Hàn, và anh là người đứng ra chụp hình cho Bọ!

Chiều nay là lên đường trở về nhà, Bọ xuống tầng hầm của Lotte tìm mua vài món đặc sản mang về. Kim chi thì thôi đủ loại:

[Image: Kimchi-Kimchiandkimchi.jpg]
Sâm tươi thì củ to cồ cộ, nhưng hình như là sâm tươi chứ không phải sâm khô. Người Việt mình thường được đưa đi mua sâm tại chợ Dongdeamun. Bọ có tới chợ này và chợ Namdeamun (gần Ibis) nhưng đi vào đó như lạc vào bát quái trận đồ. Nhiều gian hàng, nhiều món hàng đến nỗi bây giờ trong trí Bọ không còn gian hàng nào, món hàng nào hết!

[Image: Ginseng2.jpg]

Bọ vốn là 1 thành viên trong Bếp Hồng, thích nấu ăn và mê ăn, đi chơi thì ham chụp hình món ăn nên sau đây là các món ăn trong chuyến đi mà Bọ kể thiếu:

Vô quán cháo có tên là Bon Chook (chook hình như đồng âm, đồng nghĩa với chúc là cháo trong âm Hán Việt), ông Bọ ăn mì cán tay

[Image: Bonchook-Smartdecor_zpsd8f715fa.jpg]

[Image: Bonchooknoodle2_zps7fc8a9d1.jpg]

[Image: Bonchooknoodle_zpsd2dc5bc5.jpg]

[Image: Goodnoodle_zps3946163c.jpg]

Bọ thì ăn Đậu Đỏ . Ủa lộn, cháo đậu đỏ !

[Image: IMG_1876_zps131f0679.jpg]

[Image: IMG_1875_zps47d4dd71.jpg]

Đi Đại Hàn, thì không thể không ăn món thịt nướng ngay trên đất Hàn. Thịt có nhiều loại, Bọ chọn loại giá trung bình (là thịt bò Úc! mình biết rõ về độ ngon và an toàn của nó hahaha). Thịt bò Wagyu hoặc thịt bò Kobe thì mắc lắm, người du khách bậc trung như Bọ đây không thể chơi sang như thế được!

[Image: BBQRestaurant.jpg]

[Image: Condiments.jpg]

[Image: Meatfortwo.jpg]

Mì nữa nè:

[Image: IMG_1884_zps652b8990.jpg]

Ngán mì chưa? thêm tô nữa đây:

[Image: IMG_1883_zps396bc4cd.jpg]


Tài liệu và những thông tin cần thiết

Hàn Quốc nói chung và Seoul nói riêng đa số người dân thường không nói đươc nhiều tiếng Anh, hoặc họ biết, nhưng cách phát âm không chuẩn đưa đến tình trạng e ngại mà không dám sử dụng nhiều, hoặc phản ứng chậm khi tìm chữ để kết nối thành câu.

Bạn có thể đọc Lonely Planet Seoul để lấy thêm thông tin, nhưng theo Bọ, LP Seoul thiếu sót và sai nhiều chỗ: giá cả và giờ giấc mở cửa các điểm du khảo. Bọ xem được đổi gác ở Deoksugung phần lớn là nhờ tình cờ may mắn, vì LP Seoul cho biết giờ đổi gác là 2 giờ chiều đến 2 giờ 45 chiều, trong khi thực sự bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 11 giờ! (Quên nhắc với các bạn là trước Daehanmun từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa sẽ có lều của Korea Tourism cho các bạn mượn quần áo Hanbok mặc thử chụp hình miển phí, không cần giấy tờ gì hết, chỉ ghi tên và quốc tịch của bạn vào quyển sổ thôi!) Bọ dự định mua vé xem nhạc kịch cổ của Hàn quốc tại Chung Dong theatre gần Deoksugung, nhưng LP cho sai giờ mua vé nên lỡ mất dịp!

Muốn biết thêm về Korean Folk Village, bạn có thể tham khảo từ trang nhà của KFV:

http://www.koreanfolk.co.kr/folk/english/index.htm

Một trang nữa Bọ nghĩ cũng cung cấp thông tin rất nhiều:

http://www.visitseoul.net/?uid=

Trong khi chuẩn bị cho chuyến đi, Bọ có gởi email cho Sở du lịch Hàn Quốc tại Sydney, họ gởi cho Bọ các tài liệu sau, Bọ nhận thấy rất có ích và nhiều thông tin hơn LP:

[Image: IMG_0017.jpg]
06-18-2013 12:22 PM
Find all posts by this user
Thread Closed 


Forum Jump:


User(s) browsing this thread: 1 Guest(s)