Thread Closed 
BỌ DU KÝ - MALAYSIA
Author Message
maritza Offline
Moderator
*****

Posts: 41,892
Joined: Aug 2010
Post: #1
BỌ DU KÝ - MALAYSIA
Malaysia, 30 năm sau

Malaysia 30 năm sau, là vì 30 năm trước do định mệnh hai vợ chồng Bọ đã được tạm dung trên đất Mã 3 tháng; dù sao cũng là 1 cái ơn. Nhưng 30 năm trước đó, vì là tạm dung nên không được nhìn thấy Malay như thế nào, nên cho dù 30 năm sau trở lại, vẫn như là gặp lần đầu...

Chuyến bay Jetstar Sydney - Kuala Lumpur

Đường bay Sydney - Kuala Lumpur của Jetstar khai trương, vé đặc biệt rẻ.... Vợ chồng trưởng nam mua tặng bố mẹ cặp vé - Vé tuy rẻ nhưng lòng hiếu của con và dâu không rẻ chút nào Smile - Thế là sắp xếp hành lý, hai vợ chồng Bọ lại lên đường...

Đây là lần đầu Bọ bay với hãng máy bay giá rẻ cho một đường bay dài. Trước vẫn dùng Virgin Blue bay Sydney - Brisbane nhưng với đường bay chỉ 1 giờ rưỡi thì khác biệt không nhiều lắm (Năm 2011 Bọ có bay với Air Asia X là hãng giá rẻ của Malaysia đi Paris như đã kể trong những bài trên, nhưng đường bay Âu Châu gồm London và Paris của hãng này đã huỷ bỏ ngay trong cuối năm đó!)

Vì là giá rẻ, nên điều nhận thấy trước tiên là chuyến bay này nhiều hành khách nhi đồng! Nhiều đến nổi những chổ ngồi đặc biệt dành cho các bé (bulkhead seat) để có thể gắn thêm nôi nhỏ cho bé nằm không đủ cung ứng cho nhu cầu. Và suốt chuyến bay, hậu quả tất yếu là hành khách được nghe hòa âm của các bé miển phí (tuy rằng là hãng bay rẻ thì cái gì cũng phải trả phí để được xử dụng nhé; AA, Jetstar, Tiger Air chưa đến nổi bắt khách phải trả tiền để xử dụng phòng vệ sinh, nhưng hình như là Ryan Air đã bắt đầu)

Quà tặng của con và dâu có kèm mua bữa ăn và máy xem phim cho bố mẹ. Giờ ăn đến, mùi thức ăn tỏa thơm khắp cabin. Bọ Giai háu đói, chuẩn bị hạ bàn và chuẩn bị cho buổi trưa:

- Con nó mua bữa ăn trả tiền rồi thì chắc họ dọn cho mình ngay!

Lầm! mua hay chưa mua, trả tiền rồi hay chưa trả tiền; tiếp viên đủng đỉnh đẩy xe thức ăn từ dưới đuôi máy bay trở lên trong khi hai vợ chồng Bọ được con chu đáo chọn chổ gần phía trên cho đỡ nhồi!

Bạn thử hình dung thời gian dọn ăn trên máy bay, cộng thời gian khách chọn món (cho những khách chưa mua thức ăn lúc booking), cộng thời gian trả tiền, cộng thời gian thối tiền.....Bực!!!

Thức ăn thì cũng được, có salad, có món chính có món tráng miệng và trà, cà phê cùng nước ngọt dọn miễn phí:

[Image: IMG_0822.jpg]


[Image: IMG_0264.jpg]

Rời khỏi cái ồn ào của phi cơ - Jetstar là hãng máy bay giá rẻ duy nhất có cơ sở hạ tầng ngay tại sân bay chính Kuala Lumpur International Aiport (KLIA) mà không phải xử dụng LCCA như các hãng giá rẻ khác- sân bay KLIA xứng đáng là 1 sân bay đã từng được bầu chọn là sân bay tốt nhất trên Skytrax mấy năm trước, nếu bạn thích đọc những feed back của hành khách về các hãng bay thì trang airlinequality này rất hữu dụng, như tripadvisor là trang để đọc về feed back các hotel. Nhưng sân bay quá rộng, sạch , gây cảm giác trống lạnh nơi Bọ; thủ tục nhập cảnh nhanh gọn, hai vợ chồng bắt xe lửa tốc hành KLIA Ekspress về thành phố

[Image: 2619695621_a3ce703853_o.jpg]

Phương tiện này thật là nhanh chóng, từ KLIA về đến ga Sentral khoảng 30 phút - Tiếng Anh của người Mã thật ngộ: Ekspress, Sentral cứ như mình gõ sai chính tả của Express và Central vậy. Trời mưa lâm râm, đến quày vé taxi để về khách sạn Novotel thì được cô em ngồi sau quày bảo là không có xe loại thường premium taxi, chỉ còn loại Deluxe thôi - đừng bị đánh lừa vì những từ Premium và DeLuxe nhé: premium chỉ là xe thường, hiệu Proton có khi vừa chạy vừa ho khật khừ, còn Deluxe thì đúng là vừa chạy vừa lắc, chỉ deluxe với giá tiền đắt hơn xe Premium thôi (Giá cả cụ thể thì qua mấy năm Bọ đã quên hết rồi[Image: smiling.gif] )

Đến Novotel, check in sau các cô tiếp viên của Jetstar vừa phục vụ "quý hành khách" khi nãy, "quý hành khách" còn đang chờ nhận thẻ chìa khoá phòng thì thấy các cô hơ hải trở lại quầy tiếp tân, đại khái như thế này:

- Sao phòng tui có thêm cái cửa trong phòng nối với phòng bên cạnh? rủi phòng bên đó mở cửa xâm lấn tụi tui giữa đêm thì mần răng???

Bọ hỡi ơi và ngán ngẫm thở dài:

- May phước mà chuyến bay êm thấm, chứ có trục trặc không biết với kinh nghiệm nầy mấy cô đối phó ra sao! Chắc cũng lần đầu bay đường bay nước ngoài!

Nhận phòng, mở cửa, phòng của Novotel trang trí giản dị mà ấm cúng, tiện nghi:

[Image: TVandluggagerack.jpg]

Nhưng thú vị nhất là sáng hôm sau, nhìn ra cửa sổ để chào đón ánh mặt trời là tầm nhìn như thế này:

[Image: Viewfrommywindow-1.jpg]

Đó chính là 1 phần của toà tháp đôi Petronas, land mark của Kuala Lumpur!

Ăn sáng xong, hai vợ chồng thả bộ nhắm hướng tháp đôi mà tiến; xem thế, mà cũng gần nếu đi tắt qua 1 khu văn phòng; buổi sáng trời hơi mát dịu dưới bầu không khí lúc nào cũng nóng ẩm thấp của 1 xứ nằm gần đường Xích Đạo; người chuẩn bị đến sở làm tấp nập. Bọ thích thú quan sát 1 bàn đặt ngay trước khu văn phòng và bán thức ăn sáng cho các nhân viên, hình như là món cơm Malay "Nasi Lemak".

Qua khỏi khu văn phòng này, lại tắt ngang khu Convention Centre có Aquarium. Hệ thống thang cuốn nơi đây rất hay: để tiết kiệm điện, khi không có người cỡi trên đó, một bộ phận cảm tính (censor) sẽ ngắt dòng điện: thang sẽ chạy chậm lại rồi dừng hẳn, và khi có người bước lên thang bộ phận cảm tính này sẽ nhả dòng điện ra và thang lại bắt đầu cuốn. Khám phá ra điều này, tính trẻ con nổi lên, Bọ bước lên rồi rình xem nó có ngừng lại không, rồi lại bước xuống.... Thì các cụ đã có câu một già một trẻ bằng nhau mà lại!

[Image: 2618158720_516caa653f.jpg]
Công viên này nằm ngay sau lưng khu thương xá Suria là địa điểm tốt cho những người tập thể dục, chạy bộ vào buổi sáng. Buổi trưa nắng gắt ít người hơn, cho đến chiều mát các gia đình lại dẫn con cái ra đây cho chúng chạy nhảy nô đùa, hứng cái mát từ bụi nước của hồ nước lớn giữa công viên phun lên làm dịu đi phần nào cái bức bối của mặt trời vùng Xích Đạo

[Image: 2617343407_02a55f07e9.jpg]

Mục đích hai vợ chồng Bọ tìm đến đây không phải để đi tiêu tiền cho shopping, mà mục đích chính là đến sớm lấy vé để lên chiếc cầu thang bắc ngang tháp Petronas. Vào thời điểm đó (2008) vé còn phát free, chỉ tốn công thức sớm xếp hàng nhận vé (khoảng 200 vé 1 ngày) nhưng nay đã tính tiền mua vé theo suy thoái kinh tế toàn cầu rồi!

Vòng ra phía trước, tìm đường xuống hầm đợi ghi tên lấy vé để lên xem tháp đôi, 1 quanh cảnh lộn xộn hiện ra, đủ mọi màu da nhiều sắc tộc, hơi người lẫn với mùi nước hoa đủ mùi nặng nhẹ bốc lên xộc thẳng vào mũi Bọ:

[Image: 2618102130_f7d3bf02a4_o.jpg]

Rồng rắn rồi cũng lấy được vé, bây giờ là 8 giờ 15 sáng mà giờ ghi trên vé là 3 giờ chiều, bèn vòng ra phía trước ngó sơ qua tháp Petronas 1 phát:

[Image: 2617339827_37123f105d.jpg]

[Image: 2617338625_5f40f5be38.jpg]

Trong khu shopping Suria có khu food court bán thức ăn giá cũng rẻ, dưới hầm thì có 1 siêu thị thực phẩm có khu bán đủ các loại bánh mặn ngọt nhiều loại nhìn món nào cũng ngon. Chỉ phải tội đông người quá, trong food court thì chờ mua được thức ăn xong lại phải chờ bàn; trong siêu thị lựa chọn mua hàng chán chê xong ra trả tiền cũng phải chờ thật lâu mới đến lượt!

Đến time slot của mình, hai vợ chồng trở lại chuẩn bị chìa vé ra để được lên tháp. Nhân viên an ninh phát cho mọi người mỗi người 1 tấm thẻ đeo vào cổ trông oai phết cứ như là yếu nhân; xong được vào 1 phòng chiếu bóng 3D, lại được phát mỗi người 1 đôi kính đen xem đoạn phim giới thiệu lịch sử hình thành công ty Petronas và tòa tháp này. Một điểm son đáng ghi nhận, là nhân viên rất nhã nhặn: mặc dù vé phát miển phí, họ rất vui vẻ tiếp đãi khách xem và sẳn sàng giúp đỡ, chụp hình giúp khách đi đơn lẻ hoặc các đôi muốn có hình chụp chung với nhau (như hai vợ chồng Bọ đây)

[Image: 2617341409_ef1ed806aa.jpg]

Nhưng thôi, chuẩn bị lấy taxi tìm đường ra bến xe để mua vé sẵn mai này đi Malacca. Có 1 điểm Bọ ghét nhất ở xứ Mã Lai này là vấn đề xe taxi! trời thì nắng nóng chang chang , bắt được chiếc taxi chỉ mong chui nhanh vào để trốn cái nắng và cái nóng mà nào các bác tài Mã có hiểu cho đâu!

Mở cửa chui đầu vào, bị chận hỏi đi đâu? Ờ thì cũng hợp lý, không nói đi đâu làm sao người ta biết mình đi đâu mà đưa tới nơi?

- Bác cho chúng tôi đến bến xe Puduraja.

- 15 Ringgit!

Ô hay! thế cái đồng hồ kia và cái chữ taxi meter để làm cảnh à? Trong suốt chuyến đi Mã kéo dài 18 ngày này chỉ có 1 lần duy nhất Bọ được tính giá theo đồng hồ, và bác tài là 1 người Hoa già không nói được tiếng Anh - chưa tới 3 RM cho chuyến đó! nhưng mà mình bị bóc lột quen, đến khi nhìn giá tiền thấp quá thì lại phân vân khó nghĩ.... Và lòng e kỵ người Ấn của hai vợ chồng Bọ cũng bắt đầu từ chuyến thăm Mã này!

Bến xe Puduraja đông đúc, lại cũng cái nóng hầm hập cộng với hơi người cùng với mùi xăng dầu của các loại xe sắp xuất bến từ dưới tầng hầm tỏa lên ngột ngạt. Bọ lần tìm phòng vé của hãng Transnasional và mua vé khứ hồi sẵn cho tuyến Kl- Malacca -KL. Vé không rẻ hơn, nhưng thật ra thì Bọ không muốn trở đi trở lại cái lò khí độc này nếu có thể tránh được và nhận đươc lời khuyến cáo từ vài người Mã đang ngồi chờ xe, rằng phải cẩn thận với tư trang vật dụng khi thấy Bọ chụp hình (khác nào thú nhận rằng mình chính là nai tơ, mời các bác thợ săn nhào dzô đây mà!)

[Image: 2618166884_68f4ab3711.jpg]

Về vấn đề di chuyển và các phương tiện giao thông công cộng của Malaysia, nếu Bọ có ác cảm với giới lái taxi bao nhiêu, thì sự khâm phục của Bọ đối với các loại xe khách chạy tuyến đường xa càng nhiều hơn bấy nhiêu; giá vé rẻ, xe xuất bến đúng giờ là điểm son của xe khách Malaysia. Dọc đường, tại những trạm nghỉ cho hành khách giải quyết vấn đề vệ sinh cũng rất sạch sẽ, thường là nằm trong 1 khu khang trang có hoa cảnh trồng chung quanh. Trước chuyến đi Mã - đây là chuyến đi đầu tiên mà Bọ không mua guide book, chỉ thu thập thông tin trên mạng qua các trang Fodor, TripAdvisor và các blog của chính người Mã - Bọ có trò chuyện (chát?) với 1 cô người Mã gốc Hoa và cô này phàn nàn về vấn đề an ninh trên xe khách tuyến KL- Malacca (chồng cô là dân gốc Malacca) và khuyên Bọ nên bao taxi đi thẳng từ KL với giá gần 200 RM! Thực tế là không cần thiết: Đoạn đường KL- Malacca chỉ có hình như gần 2 giờ, đường xá tốt xe cộ tốt, giao thông đúng lề luật và không có vấn đề gì về an ninh đáng lo ngại cả.

Nguồn gốc Mã của dân tộc Việt?

Nhìn kỹ và nhớ lại - rằng đọc đâu đó quyển "Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt" của nhà văn Bình Nguyên Lộc - Bảo rằng nguồn gốc Mã của dân tộc Việt e rằng quá đáng, nhưng đúng là Việt ta - nhất là trong miền Nam - có nhiều điểm tương đồng với tộc Mã; có lẽ là do kết quả từ cụ Trương Vĩnh Ký ngày xưa đã mang ảnh hưởng từ Mã sang Việt chăng? Cứ nhìn trái cây, nhất là trái sầu riêng ; và nhìn lại chiếc áo cổ bà lai, một chuyển thể từ chiếc áo bà ba cổ lá trầu truyên thống miền Nam - Ta sẽ nhận ra sự tương đồng mà không cần phải cố gắng cho lắm. Nhất là, bạn có nhìn thấy các loại bánh ngọt của Mã mà họ gọi chung là Kueh chưa? Bánh da lợn (sao không là da heo? Smile, bánh xôi vị.....nhiều nhiều nữa mà trong nhất thời cái trí nhớ ngoan cố này không chịu đưa ra dữ kiện .

Thêm phần, Việt ta và Mã có chung ảnh hưởng từ người Hoa, văn hóa Hoa. Bạn nhìn cái tượng đồng này, và xem nó có quen mắt không?

[Image: 2620518848_ffb362fb54_o.jpg]

Và 2 cái bầu đồng này, một chứa nước sâm, một chứa nước đắng. Bạn, nhất là người gốc miền Nam, bạn có thấy quen như đã nhìn thấy đâu đó, nhất là trong miệt Chợ Lớn không?

[Image: 2620519152_a1cf8db992_o.jpg]

Bọ trích 1 đoạn trong quyển :Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt " cho bạn đọc nhé!

Đọc sơ qua vài trang, thấy tác giả đối chiếu những trùng khớp về ngôn ngữ giữa 2 dân tộc Việt - Mã rất hay! Thí dụ đoạn sau đây

(Trích dẫn)

"Ông sẽ thấy văn bình dân ta đầy dẫy tiếng Mã Lai mà ông không hiểu.

Thí dụ:

>>Tua Rua đã xế ngang đầu

Em còn đứng đó làm giàu cho cha.<<

Tua Rua là tiếng Mã Lai đó ông ạ.

Ông không biết rằng thành ngữ “Tay chơn bộ hạ” của ta là thành ngữ Mã Lai, họ nói Tay cẳng bộ hạ đấy. Ông không biết:

Bắc thang lên hỏi ông Trời

Thang = Tangga (Mã Lai), và Trời cũng là tiếng Mã Lai mà cả Mã Lai và Phù Tang Nhựt Bổn cũng còn dùng hiện nay.

Dưới đây là một câu 8 từ, gồm toàn từ Mã Lai:

Hắn lấy ná (nỏ) bắn chim làm rụng lá

Không có lấy một danh từ, động từ nào mà là danh từ, động từ của chủng Viêm, hay chủng Hoa trong đó hết. Toàn là tiếng Mã Lai. "

Malacca

Tình cờ may mắn, hai vợ chồng Bọ đến Malacca buổi trưa thứ năm và sẽ rời Malacca trưa chủ nhật. May mắn vì buổi trưa thứ năm và sáng ngày thứ Sáu đó hai vợ chồng Bọ dạo quanh Malacca, một Malacca vắng vẻ phù hợp với cái không khí cổ kính cần có của 1 thành phố nhỏ xưa. Malacca là 1 eo biển nằm trên trục giao lộ đường thủy chính nối Đông và Tây; và xưa đã một thời là chốn tung hoành của cướp biển vùng Malacca. Các thương thuyền cũng thường ghé qua Malacca mang lại sự thịnh vượng cho nơi này từ thời xa xưa đó.

Khách sạn Bọ ngụ là Equatorial Malacca. Khách sạn này có vị trí lý tưởng: rất gần khu đồi St John và phế tích của pháo đài Fort A Famosa, sát ngay là khu shopping Carrefour của Pháp (nhưng hàng hóa bên trong toàn sản phẩm của Mã: 1 điểm son để kiến tạo công ăn việc làm cho người bản xứ, chỉ bán thương hiệu, không bán sản phẩm)

[Image: 2619652034_7b87df177a.jpg]

Phòng có ban công nhìn ra biển, eo biển Malacca trứ danh:

[Image: 2618822773_2ea9bdf062.jpg]

Về vấn đề khách sạn của Malaysia, Bọ nhận thấy vấn đề maintenance "bảo quản? bảo trì?" của kỹ nghệ khách sạn Mã kém. khách sạn Equatorial 5 sao, mà cửa nẻo như thế này:

[Image: 2618839061_7cb1f158af.jpg]

Dưới sàn thì khăn bẩn còn nằm đấy:

[Image: 2619650914_bf2e503599.jpg]

Và mở tủ lạnh ra, vẫn còn đồ dùng sót lại của người khách trước:

[Image: 2618836595_4b245ea36f.jpg]

Sốc!!!!

Kêu diện thoại xuống phòng tiếp tân, họ gọi house keeper cho người đến. Hoá ra là 1 cậu bé gầy gò, nhút nhát cố gắng làm cho sạch sẽ vết tích luộm thuộm kể trên. Vẫn còn sốc, nhưng nhìn cậu bé Bọ chợt cảm cho thân phận tuổi thơ xứ nghèo, 14, 15 tuổi đã phải làm những công việc nặng nhọc của người lớn. Cậu bé này đây may mắn có 1 việc làm tạm gọi là nhẹ, nếu mà mất đi công việc này, thì sự sống của gia đình cậu như thế nào đây???

Nên thôi, mà việc đầu tiên là sang bên Carrefour, mua 1 chai nước rửa chén và 2 cái ly rẻ tiền. Để trong mấy ngày ở lại đây thì dùng ly đó mà đánh răng súc miệng, rồi tự mình rửa bằng chai nước rửa chén vừa mua! Còn miệng thì zipped, mà lòng thì cảm với những em bé bồi phòng!

Malacca vì nằm trên giao lộ đường thủy, ngày xưa đã từng tiếp cận với thủy thủ của các thương thuyền Tây phương nên tuy là thành phố của 1 xứ Hồi giáo, mà vẫn còn 1 tu viện Công Giáo tồn tại nơi đây: tu viện Thánh Tâm:

[Image: 2610563128_a0f66cd771.jpg]

Chiều thứ năm, nhìn từ phế tích pháo đài Fort A Famosa, đồi St John và nhà thờ nay đã bỏ hoang chỉ còn vài bức tường trống trải chơ vơ trong nắng chiều như thời vàng son xưa không còn nữa:

[Image: 2617945638_2bc0cd72d9.jpg]
Lần theo những bậc thang vắng bóng người, hai bác già mắt nhìn vẻ tiêu điều của những bức tường đổ, tai nghe tiếng Tây Ban Cầm của người nhạc sĩ rong trong góc nhà thờ. Nơi đây còn lại những tấm bia đá và dấu tích ngôi mộ xưa của thánh Francis Xavier thường được xưng tụng như "Vị tông đồ của phương Đông", ngoài sân vẫn còn bức tượng trắng cụt 1 cánh tay của thánh Francis Xavier:

[Image: 2618844493_88a22bb663.jpg]

Trước khu công trường chính của Malacca là nhà thờ đỏ St Paul và tòa hành chánh Stadhuys. Về cái tên Stadhuys này, Bọ nhớ có đọc đâu đó tranh cãi về nguồn gốc Dutch của từ này: theo những bạn người Hòa Lan mà ngôn ngữ lả tiếng "Dutch", từ Stadhuys không phải là từ nguồn gốc tiếng Dutch mà ra, vì tiếng Dutch từ Stadhuis là để chỉ tòa hành chánh chứ không phải Stadhuys. Các bạn Mã mình xử dụng ngôn ngữ chế biến đến là hay, thí dụ như ekspress hoặc Transnasional vậy thôi

[Image: 2618847599_97c5966c40.jpg]

Dạo quanh Stadhuys, may sao gặp được đám cưới truyền thống người Mã đạo Hồi. Cô dâu và chàng rể nhìn thật xứng đôi xứng cặp:

[Image: 2609721623_b7253b89db.jpg]

Vùng Malacca nằm dưới sự cai trị của Hoà Lan trong hơn 180 năm, nên không lạ gì khi Bọ nhìn thấy những biểu tượng của xứ Hoà Lan ngay tại công trường chánh của Malacca:

[Image: 2619656282_8d02c914c4.jpg]

Nhưng Malacca cũng từng bị đế quốc Anh cai trị nên Bọ lại nhìn thấy trên công trường này cái bồn nước đề tên nữ hoàng Victoria Tongue

[Image: 2619657160_94594c4781.jpg]

Du khách quanh công trường cổ này rất đông vì nó hầu như là điểm chính của thành phố. Bọ gặp những nhóm người Việt đi dạo quanh đó, rất dễ nhận ra vì 1 đặ điểm của "Người Việt xấu xí" là tật nói chuyện, kêu réo ỏm tỏi bất kể người chung quanh! Bọ bắt chuyện, nhưng nhận ra rằng mình với họ không cùng tiếng nói nữa rồi vì hỏi bằng tiếng mẹ đẻ mà chẳng nhận được câu trả lời! Chắc họ có điều gì e ngai???

Chẳng thèm, vì Bọ quay qua và chụp được tấm ảnh này, bắt đúng cái cử chỉ sợ hãi của cô bé:

[Image: 2610565438_7aee2ba75e.jpg]

Dạo quanh, Bọ có nhận xét là cái thành phố - có thể nói là 1 thị trấn vì nó nhỏ xíu; đi dăm phút đã về chốn cũ - nảy sao mà nhiều bảo tàng quá: nào là bảo tàng hàng hải "Maritime museum", bảo tàng lịch sử, sắc tộc "History & Ethnography Museum", bảo tàng hải quân hoàng gia Mã Lai "Royal Malaysian Navy Museum ", bảo tàng nhân dân "Peoples museum", bảo tàng thanh niên Mã Lai "Malaysian Youth Museum ", bảo tàng các loại diều "Kites Museum", bảo tàng Hồi giáo Malacca "Melaka Islamic Museum", bảo tàng chính phủ dân chủ "Democratic Government Museum", bảo tàng quan khâm sai (hay quan toàn quyền) "Governors Museum", bảo tàng tiểu vương Malacca "Melaka Sultanate Palace", bảo tàng văn chương "Literature Museum ", bảo tàng sắc đẹp bền vững "Enduring Beauty Museum "..... Ôi thôi hoa cả mắt, mỏi cả chân và trống cả túi tiền cùng hao hụt thời gian để thăm thú các bảo tàng của Malacca! Đúng là một hình thức bội thực bảo tàng!Lại chẳng thèm!

Phố xá Malacca, nhất là trong khu người Hoa nằm phía bên kia bờ sông Malacca nhỏ hẹp, có dáng rất quen vối người Việt mình và với những dãy nhà phố lầu "shop house" nhìn giông giống khu phố cổ Hôi An nhưng được bảo tồn kỹ hơn. Có những căn tiệm bán những đồ cổ hay đồ giả cổ, pho tượng họ chưng trước cửa làm Bọ tưởng như đang nhìn một người dân dưới quê nội Bọ ngày xưa:

[Image: 2610558530_6a94c849d6.jpg]

Và những căn nhà xưa trong phố cổ Malacca, nhìn rất giống những kiểu nhà mà ngày xưa ở Sàigòn người ta thường gọi là phố lầu:

[Image: 2617950242_083af6762e.jpg]

Còn căn nhà này thì nhìn loè loẹt đầy màu sắc như một hội quán người Hoa nào đó trong Hội An:

[Image: 2617138775_685e29f017.jpg]

Trước ngày Bọ rời nhà, con gái có dặn Bọ tìm đến một tiệm đặc biệt: tiệm giày Wah Aik, đặc biệt ở chổ Wah Aik không phải là một tiệm đóng giày thường như ta hay thấy!

[Image: 2617138151_5cf75505c9.jpg]

Wah Aik là 1 tiệm hiếm hoi còn giữ được nghề xưa cho những khách hàng xưa - mà nay chắc cũng đã là người muôn năm cũ cả rồi: nghề đóng giày cho những bàn chân sen vàng "liên hoa" tức là những bàn chân bó nhỏ xíu cho những quý phu nhân, quý tiểu thư đài các lá ngọc cành vàng, con nhà trâm anh thế phiệt thời phong kiến, mà các bậc mày râu thời ấy cho rằng nâng niu bàn chân ấy trong tay cảm giác nhỏ xinh như nâng đóa hoa sen:

[Image: 2617124397_4936a06c39.jpg]
Con gái Bọ thời còn đi học có đọc 1 bài về tục bó chân của người Hoa và có hỏi Mẹ về chuyện đó. Bọ, để có thể giải nghĩa cho con gái cũng phải tìm đọc tài liệu về bó chân (vì người Việt mình làm gì có tục dã man này!). Những điều đọc được thật kinh khủng: Theo đó, khi cô bé gái được khoảng lên chín hay lên mười, họ bắt đầu bẻ xương bàn chân cô và bó lại, mỗi ngày họ tháo băng chân, thoa thuốc cho đỡ đau rồi bó trở lại, lần này chặt hơn và cứ như thế cho đến khi bàn chân cô còn nhỏ độ non gang tay. Người bị bó chân như thế dĩ nhiên bước chân quặt quẹo, không thể đi nhanh được và phải phụ thuộc vào sự dìu đỡ của người khác, nhất là khi về già thể trọng tăng lên. Còn các thiếu nữ và các phụ nữ trung niên thì đi đứng từng bước nhỏ chậm rãi.Thật ra theo các nhà nghiên cứu, bàn chân bị bó như thế do xương bàn chân bị bẻ gãy và bó chặt lại; vết thương do không thể lành được và bị bó suốt ngày nên khi tháo ra sẽ có 1 mùi hôi thối khủng khiếp. Họ cũng cho rằng bó chân như thế thật ra do nhu cầu dục tính bệnh hoạn vì theo họ nghiên cứu, do bàn chân không thể phát triển được và không hoạt động được bình thường nên sự phát triển cơ thể sẽ dồn về phần cơ phía trên, mà gần nhất là các cơ vùng bộ phận sinh dục. Ngoài ra đó còn do bản tính làm chủ, sở hữu 1 cách độc ác và độc đoán của người đàn ông Tàu thời đó: vì không làm việc nặng được, ngay cả sự đi đứng cũng khó khăn nên những người phụ nữ này hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào người chủ gia đình, là người chồng, người cha của chính họ. Bọ chỉ đọc và giảng nghĩa cho con, không phải là nhà nghiên cứu nên không biết những điều trên đúng hay sai, đúng thì bao nhiêu phần và sai thì bao nhiêu phần? Nhưng có điều Bọ thấy rõ là bàn chân mà đem đi bó chặt như thế thì quả thật là đau khổ: khi ta mua giày mà lỡ mua trật một số nhỏ hơn chân ta, đôi chân ta sẽ đau đớn rên siết như thế nào hẳn bạn cũng rõ!Malacca và nỗi thất vọng:Sáng nay là sáng thứ bảy, đường phố Malacca sáng nay nhiều xe cộ rộn rịp khác hẳn vẻ ngái ngủ của nơi này 2 ngày trước. Càng về trưa cảm giác ngột ngạt càng tăng trong Bọ: xe nhiều, người đông! Tiếng nói cười ồn ào khắp các điểm ăn uống, mua sắm....Muốn về phòng khách sạn trốn tiếng ồn cũng khó vì hotel Equatorial nằm ngay giao lộ chính của Malacca và nằm kề ngay khu shop chính của Malacca mà phòng của Bọ nhìn ngay ra đường và hệ thống cách âm của Equatorial chì là con số không!Khắp nơi: Starbuck để uống 1 ly cà phê (mở ngoặc: cà phê Mã dở ơi là dở!) tìm mãi cũng không có bàn trống, đành mua 2 ly cà phê ra ngồi ngoài khu bồn phun nước để uống và nhìn người chen chân. Mc Donald: người xếp hàng dài ra khỏi cửa. Nguyên do của cái sự ồn ào này chính là vì người dân Singapore kéo qua nghỉ xả hơi cuối tuần và mua sắm vì đồng tiền Sing có trị giá cao gấp đôi đồng tiền Mã! Giản dị là số khách dồn ứ cuối tuần này quá tải so với khả năng của Malacca! Và người Singapore, ôi chao nhìn cách họ hành xử, ăn to nói lớn một cách dung tục Bọ mới nhận thấy khi người ta hãnh tiến một cách ngạo mạn thì con người thật của họ lộ ra trần truồng! Cũng có thể hai vợ chồng già Bọ đã...già nên đâm ra khó tánh, chứ càng đông thì càng vui chứ!!! Chúc các bạn nếu có đến Malacca vào thứ bảy thì có được 1 cuối tuần vui!Chợ đêm MalaccaVì du khách đổ về đây rất đông phần lớn là người anh em láng giềng Singapore, nên cuối tuần Malacca có phiên chợ đêm nổi tiếng. Biết là chợ đêm rồi sẽ đông chen nên Bọ lo đi sớm. Chợ đêm theo Bọ thì cũng chẳng có gì đáng, hàng hoá thì lưa thưa những thứ linh tinh loè du khách, hàng ăn thì tạp nhạp nhìn như thế này:

[Image: 2618084094_e76f48985a.jpg]

Nhưng đói thì vẫn phài len chân tìm cái ăn, vào tiệm này đây, người cũng len vai ngồi mà không khí nóng hầm hập những hơi người cùng mùi thức ăn - Ngán ngẫm!

[Image: 2617263091_a559acbe71.jpg]

Nhanh nhanh ra sân khấu lộ thiên ngắm người ta nhảy chacha và nghe người ta hát! Về sớm khi chợ bắt đầu đông dần, rồi cũng qua một buổi tối!

[Image: 2617263565_318070a238.jpg]

Cái ăn ở Malacca

Một cư dân Malacca trên trang tripadvisor có chỉ dẩn cho Bọ là nếu muốn ăn ngon và đúng khẩu vị Malacca nói riêng và Malaysia nói chung, nên tìm ăn ở nhà hàng Ole Sayang. Hỏi ra mới biết Ole Sayang không xa khách sạn Equatorial là mấy nênn tánh mê ăn lại kéo chân Bọ đến:

[Image: 2610561562_71d8bd03b9.jpg]

Đã hỏi thăm nơi ăn, thì cũng hỏi những món nào tiêu biểu. Vậy là Bọ gọi vài món tiêu biểu đặc biệt của người Mã Lai gốc Tảu như Cà ri gà nấu theo kiểu Mã (Ayam Sambal Curry)

[Image: 2610553394_2cacdbe463.jpg]

Đậu hủ sốt ớt (Spicy Tofu)

[Image: 2610564122_50176606ce.jpg]

Nhưng đi Sing hay Mã thì không thể thiếu món rau muống xào ớt!

[Image: 2609732413_539feb296b.jpg]

Toàn là món cay nên phải có tô canh chữa lửa, canh vịt hầm cải chua (Itik Tim)

[Image: 2610557758_8bdf47c942.jpg]

Ở Ole Sayang, cơm được đựng trong cái giỏ mây đan và lót bằng lá chuối, cơm nóng thêm lá chuối tỏa mùi thơm dịu dân dã, nhớ ngày xưa khi mua xôi hay được bà hàng gói trong tấm lá chuối mùi thơm cũng như thế này:

[Image: 2609729567_c1985c625e.jpg]

Chỉ có 2 vợ chồng già mà gọi món như thế này, dù đã no căng bụng nhưng vẫn không hết bấy nhiêu món, vậy mà Bọ vẫn kêu thêm 2 chén bánh lọt chỉ vì đường thốt nốt ờ Malacca nổi tiếng là thơm, chan vào chén bánh lọt thật là ngon, thật là béo, thêm vào nước đá ở buổi trưa nhiệt đới này thì không có gì hơn!

[Image: 2610555088_b5d470a73f.jpg]

Nhưng đi chơi không phải lúc nào Bọ cũng vào nhà hàng chén dĩa trắng lốp như thế! Buổi sáng thả bộ trên hè phố vắng, tìm ăn mì ở vỉa hè tục gọi "mì cô Hai" (older sister) , nghe kể chuyện rằng quán mì này do người Cô Hai không có gia đình mở quán bán mì nuôi các cháu, người Cô Hai này dậy sớm tự cán mì lấy, nấu nước dùng lấy rồi đến sáng lại nấu từng tô mì mà bán cho khách để nuôi các cháu ăn học. Cháu lớn lên, cô Hai già đi, bây giờ người cháu gái lớn cũng không có chồng lại giống Cô ngày xưa bán mì lo cho các cháu (theo lời kể của 1 food blogger người Mã):

[Image: 2618087020_1b1ed408c1.jpg]

Dĩa mì khô thì nhìn tí xíu như thế này, ăn xong đi đến cuối con đường lại nghe bụng sôi vì đói

[Image: 2617949204_49f85e65bb.jpg]

Lại có buổi sáng lang thang tìm ăn (không ăn sáng ở khách sạn vì đắt quá), vào quán tên gọi Indori:

[Image: 2609723877_90ed2da2dc.jpg]

Ăn bánh Roti Pratha đặc biệt của người gốc Ấn, chấm với nước sốt cà ri, chỉ có 2 vợ chồng cục thịt nằm chơ vơ trong dĩa, thiệt ngon mà thiệt rẻ:

[Image: 2609730309_c637fe05b1.jpg]

Và nơi đây, tha hương ngộ cố tri: uống cà phê kiểu Việt nam trong lòng Malacca của Mã:

[Image: 2609727097_bc26baeea3.jpg]
Nhưng món ăn đặc sản của Malacca mà du khách đến đây hầu hết đều ăn thử, đó là món cơm gà Hải Nam nhưng cơm ở vùng Malacca không xới cơm rời ra mà vo thành từng viên đều đặn.

Về chuyện cơm gà Hải Nam ở Malacca, có chuyện vui như thế này:

Quán Hoe Kee nằm ngay đầu cầu từ khu Stadhuys sang bên Jonker Walk; biết tới quán này cũng do lời giới thiệu của 1 blogger Mã. Gọi ngay 10 viên cơm và chặt 1 dĩa thịt gà. Bọ Giai rõ ràng đang đói meo mà sao ăn nhu mì nhỏ nhẻ như ngày qua nhà xem mắt Bọ gái ấy! Bọ sợ Bọ Giai ăn dè vì chỉ có 10 viên cơm và kín đáo muốn nhường phần cho bà xã bèn gọi thêm 10 viên nữa. Bổng dưng thấy Bọ Giai trợn mắt, ú ớ rồi khoát khoát tay! Tưởng Bọ Giai bị nghẹn cơm nên Bọ vội đẩy ly trà tới. Ăn xong trả tiền đi ra, trên bàn vẫn còn vài viên cơm từ dĩa thứ nhất, dĩa cơm thứ nhì kêu thêm thì vẫn còn nguyên (họ không tính tiền!). Hỏi ra mới biết ông già nầy sợ họ vò cơm bằng tay nên ngán! Hết ý kiến!!! thật ra thì họ viên bằng máy!

Còn một đặc sản của Malacca : Đó là Satay Celup: các loại thịt viên, cá viên, đồ lòng, rau, nấm.... được ghim thành từng xâu và để trên kệ lạnh cho khách tự chọn. Mỗi bàn có 1 lỗ giữa bàn và quán sẽ mang ra 1 lò lửa để dưới lỗ ấy và để 1 thùng nhỏ nhưng sâu lòng chứa đầy sốt satế đậu phộng đặc biệt sôi sùng sục lên trên lò lửa ấy. Khách ăn nhúng từng ghim thức ăn mình đã chọn: Gà, cá, heo, bò, tôm, trứng cút.... vào nồi sốt ấy. Dĩ nhiên, quán sẽ xử dụng lại nồi nước sốt ấy nhiều lần, cho nên bí quyết để tránh không phải ăn thừa từ người khác là đến thật sớm khoảng 5 giờ chiều là giờ quán bắt đầu mở cửa. Bạn có thể sẽ thắc mắc: biết đâu sốt ấy là do còn thừa từ ngày hôm trước thì sao? có thể! nhưng nếu bạn biết quán chỉ bán buổi chiều từ 5 giờ đến khỏang 9 giờ là hết, mà nếu bạn đến trể 1 chút sau năm giờ thì phải chờ bàn rồi; cho nên sác xuất để bị ăn phải sốt thừa từ hôm trước tương đối thấp

[Image: 2619666560_1135070569.jpg]
06-18-2013 12:34 PM
Find all posts by this user
maritza Offline
Moderator
*****

Posts: 41,892
Joined: Aug 2010
Post: #2
RE: BỌ DU KÝ - MALAYSIA
Penang - Georgetown

Từ Kuala Lumpur, Bọ mua vé xe bus VIP của hãng NICE đi Penang; hãng bus này phục vụ khá chu đáo: Bến đón khách nằm ngay Old station là trạm xe lữa cũ của KL một cách riêng rẽ chứ không chung đụng hổn độn như bến Puduraja; trong khi chờ đợi đúng giờ lên xe, hành khách được phục vụ nước giải khát và cà phê hoặc trà miển phí. Giá vé vào thời điểm đó (2008) là 45 RM/chiều/người.

Trở lại chuyến bus của Bọ, hãng NICE xử dụng xe mới, chỗ ngồi rộng rãi rất thoải mái trong suốt hảnh trình KL - Penang dài hơn 4 giờ đồng hồ này: Xe khởi hành đúng giờ, có 1 cô tiếp viên theo xe (nghe cứ như đi máy bay ấy nhỉ?) và phát cho mỗi người 1 khăn lạnh và 1 chai nước lọc. Xe chạy khoảng hơn giờ đồng hồ, cô bắt đầu đẩy 1 xe thức ăn nóng (bận đi được ăn hủ tiếu xào, bận về được ăn bánh mì) phát từng người. Xe sẽ dừng cho khách giải quyết vấn đề vệ sinh và thư giản đôi chút (mặc dù chỗ ngồi rất rộng, rộng hơn đi máy bay hạng cá kèo nhiều). Khu nghỉ vệ sinh dọc đường cũng rất rộng rãi thoáng bóng râm, lúc về xe nghỉ ở 1 trạm xăng lớn có bán nhiều thức ăn, khách (là Bọ nè!) có thể mua vài món quà vặt như khô bò, ô mai xí muội theo lên xe nhai cho đỡ lạt miệng Smile.

Bến bus ở Penang gọi là Sungai Nibong cách trung tâm thành phố khoảng 15 phút xe taxi, 20 RM. Penang có cây cầu treo nối từ Georgetown qua eo biển rất dài, là niềm hãnh diện cho người dân Georgetown !

G hotel là 1 khách sạn nằm ngay trên con đường Gurney Dr dọc bờ biển. Nói thêm là ở Penang thường du khách có các tùy chọn sau về nơi ngủ nghỉ tạm của mình:

-Tây thì thích ở khu dọc bờ biển phía đông có nhiều resort gọi là khu Batu Feriinghi.

-Các nhà nghỉ giá trung bình thường dành cho các du khách balô thì nằm
tại trung tâm Penang, Georgetown chung quanh vùng phụ cận Komtar.

-Cũng khu bờ biển, nhưng gần với dân Malay hơn là khu Gurney (khu mà Bọ chọn đây): Giá khách sạn sẽ cao hơn giá trong nội khu Georgetown (khách sân cao cấp và tiện nghi hơn) nhưng thấp hơn khu Batu Ferringhi (Giá cho Tây là giá...cứa cổ).

Một điểm cần lưu ý là dù ở dọc khu Gurney Dr, bờ biển ngay trước cửa khách sạn, hoặc ở khu Batu Ferringhi (resort, khách sạn nằm ngay trên bờ biển) thì du khách cũng không có người nào xuống tắm biển dù cho nắng nhiệt đới Mã Lai có chang chang cách mấy đi nữa. Lý do: bờ biển quanh Penang ô nhiễm rất, rất nặng! Nên nếu bạn muốn thư giãn và tắm biển nên chọn Langkawi.

-Cuối cùng nếu muốn thử 1 khách sạn kiểu boutique và có cái tên ngon lành như khách sạn Oriental ở Sing (và cùng công ty mẹ với Oriental hotel Sing) nhưng giá có thể gồng lên và ráng được (nửa giá so với Oriental Sing) thì Eastern&Oriental mở cửa chào đón quý khách! Bọ đã định "thà 1 phút huy hoàng rồi chợt tắt", chơi sang book Oriental nhưng nghĩ lại, tiền đó để dùng tô đắp thêm cho cái holiday của mình thì hợp lý hơn nên thôi!

Phòng của Bọ ở G hotel nhìn cũng rất sang trọng, tiện nghi:

[Image: 2618765907_1170cccae5.jpg]

Nhìn xuống hồ bơi, không ồn vì cách âm rất tốt, ngó hồ nước hấp dẫn nhưng không nhúng chân xuống nước vì...không biết bơi! Sad

[Image: 2618770845_39c377f3c8.jpg]

Nhưng như Bọ đã có kinh nghiệm với hệ thống hotel cho dù cao cấp ở Malaysia (Novotel, Equatorial) , ngành khách sạn ở Malay vẫn còn luộm thuộm trong vấn đề bảo trì. Khách sạn G này cũng thế: nhìn thì sang trọng, nội thất hài hòa nhưng có cái mùi kỳ kỳ... không phải là mùi hôi nhưng cũng không phải mùi thơm! Rất khó diễn tả và không hạp với khướu giác của Bọ chút nào!

Ngay sát cạnh G hotel là Gurney Plaza: mua sắm, ăn uống thoải mái, cách độ 100m là khu New Gurney Dr: khu ăn uống theo kiểu food cart nổi tiếng của Penang, tầm từ 6 giờ chiều đến khuya khu này tấp nập những người bán thức ăn và thực khách.

Penang, theo âm địa phương Pulau Pinang có nghĩa là hòn đảo quả cau (có lẽ vì ngày xưa cau được trồng nhiều trên đảo này?), còn được gọi bằng mỹ danh hòn ngọc Đông Phương "Pearl of Orient" - xin đừng nhầm lẫn với Hòn ngọc Viễn Đông "Pearl of Far - East" là mỹ danh của Sài Gòn ngày xưa. Thời nằm dưới sự thống trị của người Anh còn được đặt tên thành phố là Georgetown - theo tên của vua George đệ tam nước Anh; năm 1957 thoát ra sự cai trị của người Anh và gia nhập Liên Bang Mã Lai Á

Penang là bang lớn thứ nhì của Mã và nối với Butterworth trong đất liền bằng cây cầu dài 13km5, một thời từng là niềm hãnh diện của người dân Mã. Mặc dầu gần đây (2007) có dấu hỏi về sự an toàn khi xử dụng cây cầu này (nhiều vết nứt đã lộ ra); nhưng cảm giác khi xe chạy qua, chạy qua....chạy mút qua cây cầu thật là khó tả.

Ở Penang, Bọ có may mắn được 1 bạn trẻ tuổi gần 30 (tạm gọi là K) quen trên Penang forum, tripadvisor vui lòng làm thổ địa dẫn đường giới thiệu thăm thú hòn đảo này bằng xe của K. Ngay buổi chiều vừa đến Penang, tối đó K đã đến G hotel tìm 2 người bạn vong niên này. Mời K uống nước, và K đưa 2 ông bà già Việt này đi coi 1 chợ trời mà K bảo là chợ lớn nhất Penang, du khách không biết đến vì chợ nằm trong sâu và chỉ họp mỗi tuần có 1 đêm, Bọ nhớ mang máng hình như là tối thứ ba.

Chợ nằm trên 1 khoảng đất rộng, trần trụi cát và cỏ chứ không có lớp ciment nào trên mặt, người bán hàng dựng lều bạt ngay trên mặt cát và người mua sắm dẫm đạp ngay trên đó mà lựa chọn, mua bán nhộn nhịp và bụi mù cứ thế mà bốc lên theo từng bước chân của khách! Khu đất rộng, chợ nhiều hàng hóa và có cả nhiều lều bán thức ăn.

Ngó dzậy mà hổng phải dzậy, như Bọ vẫn ưa nói hoặc giả bộ hay chữ, nói theo kiểu dân Căng gà rù ở đây nói bằng tiếng Ăng Lê: "Too many things to look, nothing to buy!". Hàng hóa ở đây có phẩm chất rất thấp, lại theo kiểu miền Nam của Bọ thì là " toàn đồ lâm vố ", nên hai vợ chồng chỉ dạo quanh ngó cho biết cái chợ đêm lớn nhất của Penang, mua vài món cầm tay ăn lai rai cho đở buồn rồi leo lên xe K mà về khách sạn. K chia tay với 2 bạn già sau lời hẹn:

- Chúc ông bà ngủ ngon, mai chúng ta đi thăm thú Penang!

Penang Hill và funicular

Quả nhiên, sáng sớm đã thấy K gọi điện thoại lên phòng cho hay là đang chờ dưới sảnh. Mời K sang Gurney Plaza uống cà phê Gloria Jean là thương hiệu đăc biệt của Úc - Như Starbuck là thương hiệu của Mỹ vậy! cà phê Starbuck thì thú thất hơi nhẹ "đô" cho Bọ nên không đủ "phê", chỉ khi không có Gloria Jean thì phải chịu Tongue

K tuy trẻ, nhưng tính tình cẩn thận. Tuy là đường xá nằm trong tay mình nhưng K hỏi ý kiến hai vợ chồng Bọ xem tổng thể muốn xem những đâu rồi sắp xếp lại cung đường cho hợp lý (và đỡ tốn xăng) và điểm đầu tiên mà K đưa đi xem là Penang Hill với hệ thống funicular có độ dốc gắt cao nhất nhì thế giới (Năm 2010 chính phủ vùng Penang đã thay hệ thống xe cũ bằng hệ thống xe mới nhập từ Thuỵ Sĩ, có máy lạnh. Đối với 2 người thuộc thế hệ "bảo tàng viện" như bọn Bọ thì cũng là cơ may mình còn ngồi được chiếc xe cũ trước khi nó vô "viện bảo tàng"!)

[Image: 2606194897_bae1c97402.jpg]

[Image: 2606829948_f47d65bcb1.jpg]

[Image: 2606831726_3b68262fec.jpg]

Penang Hill không cao lắm, nhưng buổi sáng sớm trên núi vẫn còn mù mịt trong sương. Penang Hill có cả 3 ngôi thánh đường tượng trưng cho 3 tôn giáo chính ở Mã: 1 ngôi đền Hindu, 1 đển Hồi Giáo Islam và 1 chùa Phật Giáo. Điều đáng nói là chưa có ngôi chùa hoặc đền nào hoàn tất cả!

[Image: 2606016145_debe830635.jpg]


Từ đồi vọng cảnh, trời tốt có thể nhìn thấu qua Butterworth rất rõ ràng, và chùa Kek Lok Si thì như ngay cạnh bên thôi; nói thêm về ngôi chùa này: nhìn thì lớn, nhưng cấu trúc bên trong rất lộn xộn, thờ lung tung mà còn nhiều nơi nhiều chỗ vẫn ngổn ngang gạch với ciment nên Bọ không đi xem)

[Image: 2607025502_8979175de8.jpg]

Chính tại đồi vọng cảnh này Bọ có câu chuyện rất lý thú với K về vấn đề chủng tộc Hoa trên đất Mã. K cho biết, người Hoa chiếm 1/4 dân số Mã và nắm hầu hết các cơ sở kinh doanh, tài chánh của Malaysia; 3/4 còn lại gồm 7 % là người Ấn theo đủ mọi tôn giáo: Bà La Môn, đạo Hồi, đạo Phật, Tin Lành, Công Giáo.... Và số còn lại thì cũng gồm nhiều sắc tộc không phải dân Mã chính cống. Thật ra tỷ lệ người Mã chính cống thuần chủng cũng rất nhỏ và phần lớn lại là kết quả pha trộn với người Tây phương và người gốc Trung Đông.

Về tôn giáo cũng thế, trên đất Mã có mặt hầu hết các tôn giáo chính trên thế giới, nhưng Hồi giáo là quốc giáo của đất nước này. Bọ hỏi K là nếu như người Hoa (K là người gốc Hoa) nắm các địa vị trọng yếu trong vấn đề tài chính, kinh doanh thương mại có nghĩa là các hãng xưởng phần lớn là do người Hoa làm chủ, vậy thì việc công nhân đạo Hồi cần cầu nguyện một ngày nhiều lần sẽ làm trì trệ việc lao động sản xuất có vấn đề gì với chủ người gốc Hoa không? K cho biết đó là vấn đề tế nhị và phức tạp trong xã hội Mã hiện nay: dĩ nhiên trong việc kinh doanh chủ nhân không thích năng lực làm việc của nhân công bị giảm đi, nhưng do luật của nước Hồi Giáo, họ bắt buộc phải chịu đựng sự thiệt hại để được sống còn. Cũng có 1 số nhân công lạm dụng quy chế được cầu nguyện này, và từ đó nãy sinh sự xung đột, bất mãn ngấm ngầm!

K cũng nói cho Bọ biết về sự phân biệt đối xử của chính phủ Mã đối với người Hoa: Những chức vụ then chốt trong chính quyền phải do người gốc Mã và phải có đạo Hồi nắm giữ. Về vấn đề thuế má và vấn đề giáo dục cũng có những phân biệt nho nhỏ . Và K cười cay đắng mà đùa:

- Bởi vậy chúng tôi như những con gà đẻ trứng!

Cám ơn K đã cho Bọ biết một góc những rắc rối bên dưới những điều tốt đẹp về một quốc gia đa chủng tộc, đa tôn giáo!

Nhưng mà thấy người gốc Ấn trên đất Mã còn bị đối xử thấp hơn nhiều.......

Đời sống hằng ngày của Penang

K đưa 2 bạn già trở ra Georgetown dọc bờ biển và ngừng xe, cho hay sẽ đưa đi xem 1 nơi dân cư Penang, cách sống tuy bình thường mà lại có nét đặc biệt: khu xóm nổi của dân chài lưới.

Đó là những căn nhà gần như liền vách nhau, đặc biệt toàn là nhà vách ván, những căn nằm gần đường lộ còn có nền bằng xi măng nhưng càng vào sâu hơn trong xóm nghĩa là càng xa bờ hơn thì hoàn toàn nhà ván sàn ván vì nằm trên 1 khu jetty nổi đưa ra biển:

[Image: 2606827892_2a15d9b974.jpg]
Cuối xóm chài này, là bến ghe nhỏ của người trong xóm dùng để đi Butterworth, Batu Ferinnghi hoặc để lưới cá quanh quẩn ven bờ:

[Image: 2605997865_62a154c9ed.jpg]

Quanh cảnh trải trước mắt là hình ảnh của Penang mà Bọ mới nhìn thấy lần đầu. Nhưng sao nó giống như 2 hình ảnh mà tuổi trẻ hai vợ chồng đã từng trải qua, ngay trong lòng Sài Gòn: Ngày đó hai vợ chồng còn trẻ, mới cùng sống cuộc sống có đôi với nhau và đi tìm mua 1 căn nhà nhỏ, xem báo và tìm theo địa chỉ đã cho, hai vợ chồng Bọ tìm đến khu xóm nằm cạnh chợ Dakao, vòng vèo qua con hẽm sâu Bọ ngửi mùi bùn thối xộc vào mũi; thì ra khu xóm này nằm cạnh bờ con rạch Sài Gòn đoạn gần cầu Đakao. Do đất nền còn là bùn non nên đường vào xóm không đổ xi măng được mà phải lót ván làm sàn và cố nhiên nhà cũng có sàn ván nằm trên những cọc gỗ thay cho những cọc nền xi măng! Các bà nội trợ rất sạch sẽ, luôn tay quét rác rưới bụi bặm trong nhà rồi hắt xuống lòng rạch ở sàn nước! giữa trưa nóng mùi bùn khô, mùi chất thải bốc lên nồng nặc! Bạn cũng dư biết là không thể ngửi mùi bùn thối suốt ngày cho nên hai vợ chồng Bọ đã không mua căn nhà (sàn) ấy!

Xóm chài nổi ở Penang Bọ đang nhìn thì đỡ hơn nhiều: tuy rác rưới vẫn được hắt xuống sàn sau (nhìn thấy nổi lều phều trên mặt nước nào là rác, nào là bao nylon!) nhưng mùi hôi không làm Bọ váng đầu hoa mắt như khu xóm nổi chợ Đakao ngày xưa: Do đây là biển chứ không phải kênh rạch nên nước thủy triều lên xuống làm bớt đi mùi bùn thối nhưng dấu vết của cặn bả thì vẫn có thể nhìn thấy khá rõ ràng.

Kế đó, K đưa đi xem nhà thờ họ Khoo (Khoo Cong Si). Đây là nhà thờ chi họ Khoo vốn có nhiều người giàu có phát đạt và phú quý thành danh:

[Image: 2606833020_11fa547f8e.jpg]

Ngôi nhà thờ chính kiến trúc theo những chùa người Hoa với bảng đại tự treo ngay trước cổng chính môn và bậc thềm cũng có tấm chắn nâng cao và bên trong hall of fame là những tấm plaque mạ vàng khắc tên những người trong tộc Khoo đã thành công làm rỡ mặt cho chi tộc:

[Image: 2606010953_f68009bc07.jpg]

[Image: 2606842352_dbca8b5a3d.jpg]

[Image: 2606015347_ac14af1fd0.jpg]

Bọ cắc cớ hỏi đố K rằng anh có biết tại sao trong các nhà xưa của người Á châu (nhất là Tàu và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu), ngưỡng cửa thường có 1 thanh chắn ngang không? K thua không trả lời được. Bọ cho K biết đó là 1 cách gia chủ buộc khách phải tỏ lòng kính trọng tổ tiên chủ nhà: xưa bàn thờ tổ tiên thường đặt ngay gian chính nhìn ra chính môn (các bạn nhớ lại coi đúng không?), khách muốn không vấp phải thanh ngạch cửa này thì khi bước qua ngưỡng chính môn thì phải cúi nhìn xuống để bước rộng chân qua mà không vướng ngạch và vấp ngã! 1 cách tế nhị để buộc khách phải cúi bái gia tiên. Không biết có bao nhiêu bạn khoảng 30 tuổi biết về điều này chứ con trai Bọ thì quả thật không biết vì anh cả đâu có nhìn biết cái ngạch cửa là cái gì!

Quấy quả K đã suốt buổi sáng; hai vợ chồng Bọ mời K đi ăn trưa và giao cho K việc lựa chọn nơi ăn và món ăn. K đưa 2 bạn già đến ăn tại New World centre hawker, mỗi người 1 tô cà ry cay xé họng rồi K chữa lửa bằng 3 ly kacang, tổng cộng chưa đến 20 RM, đúng là bạn hiền! Cảm ơn K, và nhờ K trên đường về giúp ghé 1 tiệm bánh lâu năm ở ngay trung tâm để mua bánh pía (tau sa peah) về xứ Căng gà rù cho má Bọ (bà thích ăn bánh pía), nhân tiện mua thêm 1 hộp gởi tặng Ba Má K ăn lấy thảo với 2 người bạn phương xa này.

[Image: AllholidayMalaysiaKhiemphotos335.jpg]

Trên đường về gần tối kha1ch sạn, K còn cho Bọ ghé xem chùa Miến, bên trong có nhiều tượng thú rất gần với các chùa tại Thái Lan, cho thấy sự ảnh hưởng và nét tương quan của Phật Giáo Đại Thừa tại các Quốc Gia Miến, Thái và Campuchia

[Image: 2607016140_c19e3cbac7.jpg]

[Image: 2606188291_35d9e7c0ee.jpg]

Chào tạm biệt K (không biết có sẽ còn gặp lại?), và K dành 1 ngạc nhiên lớn cho Bọ: trước khi Bọ trở lại KL, K đến tìm và tặng cháu nội trai (Mr J) của 2 bạn già 1 con diều đặc trưng Mã Lai hình con ó! Cám ơn những hạnh ngộ mà thời đại kỹ thuật mới, thời đại @ đã làm điều kỳ diệu là đưa những con người xa lạ, chỉ quen nhau trên thế giới ảo có thể đến lại gần nhau, kết bạn với nhau. Cám ơn K đã cho Bọ biết lòng hiếu khách của một Penangnite!



THường khi đi du lịch, có lẽ do bản chất người nội trợ trong Bọ vẫn tiềm tàng nên Bọ thường tìm đi chợ. Chợ cho Bọ thấy cách sinh hoạt đời thường của dân địa phương và do đó cảm nhận sẽ sát với thực tế hơn so với những hào nhoáng của những khu dành riêng cho khách du lịch.

Chợ chánh ở Penang là chợ Chowaras nằm cạnh khu Komtar (Komtar là 1 tòa building từng là khu thương mại sầm uất của Penang nhưng nay thì tiêu điều lắm, các cửa tiệm phần nhiều cửa đóng im ỉm). Nhà lồng chợ thì đúng theo nguyên tắc chợ của Á châu là được thiết kế để bán thực phẩm tươi sống như thịt cá, và cũng theo định luật ngàn đời là khu thịt cá thì thường không đi song hành với cái lỗ mũi. Chắc do vậy nên đa số các sạp hàng tự động dọn ra con đường nằm ngay sau chợ (giống như con đường bán trầu cau nằm sau lưng chợ Đồng Xuân ấy); từ hàng cá, hàng tôm, hàng thịt đến hàng rau củ, hàng quần áo và hàng.... gà đồng. Nhìn những dãy tạp hoá nằm sau lưng chợ, Bọ thoắt cái tưởng như mình đang đi trong khu chợ Cầu Muối ngày xưa, như là một Dejà vu!

[Image: 2609647219_b2ff615366.jpg]
Rời chợ để đi xem Ngôi nhà Xanh, bực mình với mấy anh tài taxi người Ấn (lại Ấn!); anh tài đòi 10 RM, Bọ trả giá 5 RM anh ta không chịu. Cáu, đi bộ ra 1 chút thấy 1 dọc xe xích lô đậu chờ khách. Bọ chọn 1 Ông tài dáng vẻ hiền lành và hơi có tuổi. Hỏi giá đến nơi muốn đi, ông xòe bàn tay ra: 5 RM! Bọ mà còn kỳ kèo trả giá thì ra mình quá tệ nên hấp! hai khách già nhảy lên xe ngồi chễm chệ!

Xe xích lô Penang rộng, rộng hơn cả xích lô ở Hà Nội và dĩ nhiên là gấp đôi xe ở Sài Gòn nên 2 người khách ngồi thoải mái. Ông tài nói tiếng Anh trôi chảy, và đưa 2 người khách đến 1 tiệm hủ tiếu bò viên nổi tiếng đối diện sở cứu hỏa. Bọ Giai có mời ông uống cà phê nhưng ông từ chối và bảo cứ ăn đi, rồi ông đưa đi xem 1 vòng thành phố và sẽ chở đến Dinh Xanh (Cheong Fatt Tze Masion - Blue House) mà chỉ xin trả thêm 5 RM! (tỷ giá lúc bấy giờ là 3RM = 1$A)

Trên đường , ông vừa đạp xe vừa dẫn giải như 1 hướng dẫn viên du lịch chính hiệu: này là 1 đền thờ Hồi Giáo nhưng của người Pakistan, nọ là toà án Penang. Gần khu này có 1 con đường lát đá, nhưng đoạn có lát đá theo kiểu cobble stone bên Âu châu chỉ có 1 đoạn ngắn khoảng 200m mà thôi, ông cho biết là do quá tốn kém mà dân lại kêu ca vì bất tiện cho người đi bộ và xe đạp nên thành phố ngưng lại và giữ nguyên đoạn đường vừa lát đá xong như 1 dấu tích. Penang có nhiều miếu thờ Quan Âm, mà ngôi đền này là ngôi miếu xưa nhất của thành phố, ngày mồng một, rằm và những ngày sóc vọng nhang đèn khói hương nghi ngút.

[Image: KwanYinTemple-Georgertown.jpg]

Xong phố Tàu, ông chở đi xem phố Ấn. Cũng những cửa hàng quần áo thời trang với những bảng hiệu rất ư là phong cách Boolywood! Và không thể thiếu những sạp hoa kết lủng lẳng dành cho việc thờ phượng của người Ấn.

[Image: ShoplittleIndianPenang.jpg]

Nhưng hay nhất là quanh 1 ngõ nhỏ vắng, ông ngừng lại và bảo Bọ Giai nhảy xuống xe để chụp cho Bọ 1 tấm hình ngồi khép nép trên xe, hiền ngoan như trong truyện cổ tích! Lexe

[Image: CheongfattTzeMansionnameboardcopy.jpg]

Đến nơi, Bọ gởi thêm ông chút quà, nhìn hình này bạn có nghĩ ông được 79 tuổi vào lúc đó không? Bọ nhớ ngày xưa ở Việt Nam, khi cần đi đâu bằng xích lô Bọ thường chọn người đạp xích lô tuổi tre trẻ, không phải thích người tuổi trẻ mà vì rất ngại khi phải ngồi ngất ngưỡng đằng trước cho 1 người đáng tuổi cha chú, có khi tuổi đáng bậc bác của mình gò lưng đạp phía sau! Khi quen với Bọ Giai thì ngược lại Bọ Giai chọn người khá lớn tuổi. Bọ Giai bảo mình chọn người lớn tuổi để giúp chú bác đó có cuốc xe trong ngày, nếu ngại thì đừng trả giá (trừ phi đòi giá quá cao không hợp lý!) coi như mình giúp chú bác đó 1 cách gián tiếp! Và từ đó nó cũng thành thói quen của Bọ!

[Image: Unclewhodrovemeonhistrishaw-78yearo.jpg]

Mua vé, được cho biết là 11 giờ sẽ có 1 tour dẫn đi thăm tòa nhà và được phát cho tấm card này :

[Image: DSCN0179.jpg]

Theo đó, ngôi nhà này gồm có 38 phòng, 5 khoảng sân, 7 cầu thang và 220 cánh cửa sổ; những cầu thang và những cánh cửa sổ này do 1 người thợ đặc biệt chế tạo ra. Chủ nhân nguyên thủy của tòa nhà này là Cheong Fatt Tze xuất thân là 1 người nghèo mạt nguyên quán ở Quảng Đông. Ông từ Tàu đến lập nghiệp ở xứ này năm 16 tuổi (nghe giống chuyện chú Hỏa bên mình quá!) và thành công, có nhiều quyền lực cũng như nhiều huyền thoại về ông vào thời kỳ đó và được mệnh danh như " Một trong những vị quan cuối cùng và là nhà tư bản đầu tiên của Tàu (Cái này là Bọ thuật lại theo tấm card đó chứ không biết đâu là sự thật!). Ông giàu có và nổi tiếng vào thời đó đến nổi những người Hòa Lan và Anh trong giới cầm quyền thời bấy giờ đã hạ lệnh phải treo cờ rũ khi ông mất vào năm 1916.

Trong quãng thời gian cực thịnh của ông, Cheong Fatt Tze đã chọn Penang để xây dinh thự cho mình và cho con cháu nối dõi sau này. Ngôi dinh thự này là 1 trong 2 ngôi dinh thự đồng kích cỡ và có vẻ hoàn mỹ nằm ngoài đất nước Trung Hoa (sic).


[Image: CheongfattTzemansioncopy.jpg]

Cheong Fatt Tze mansion ngày nay ngoài việc bán vé cho du khách vào xem và lấy tiền khi tham dự tour có người hướng dẫn, còn kinh doanh như là 1 khách sạn nên họ không cho chụp hình bên trong, nhưng nói thật chắc chỉ có người Tây phương thích ở vì lạ thôi chứ khu này chẳng có gì là hấp dẫn đối với Bọ cả! Dinh cơ này nằm ngay khu trung tâm, cạnh những building tân tiến cao vút tạo .
06-18-2013 12:35 PM
Find all posts by this user
Thread Closed 


Forum Jump:


User(s) browsing this thread: 1 Guest(s)